Người phụ nữ nhập viện sau khi nuốt mật cá trắm
Báo Người Lao Động đưa tin, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm trong tình trạng rất nặng, phải điều trị trị tích cực.
Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân 77 tuổi, ở Thái Bình. Người nhà bệnh nhân cho biết, do tin mật cá trắm có công dụng tốt cho sức khỏe nên cụ bà nuốt mật cá trắm đã được nấu chín tới. Sau vài giờ, bệnh nhân thấy buồn nôn và nôn nhưng giấu bệnh không cho con cháu biết.
Triệu chứng ngày càng nặng, bệnh nhân nôn nhiều, không thể đi tiểu, lúc này cụ bà mới báo cho các con và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh. Với chẩn đoán bị suy gan, suy thận, bệnh nhân được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai.
Chia sẻ với bác sĩ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cụ bà mới cho người nhà và bác sĩ biết mình đã nuốt mật cá trắm để bồi bổ và chữa bệnh.
Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 47 tuổi, ở Phú Thọ. Sau khi ăn món cá trắm kho (gồm thịt cá, lòng cá và mật cá), cùng 2 người bạn, bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc như: đau tức bụng, buồn nôn và nôn. Người bệnh được gia đình nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu, sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cả 2 bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng suy thận, vô niệu, viêm gan nặng do ngộ độc chất có trong mật cá trắm. Hiện tại, người bệnh đang phải lọc máu, điều trị tích cực.
Nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho người đàn ông
Theo TTXVN, Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin, nhờ kích hoạt báo động đỏ, đơn vị đã cấp cứu kịp thời và nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho một nam bệnh nhân (39 tuổi, ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức).
Trước đó, lúc 7h30 ngày 13/11, anh N.S (ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) bị máy đan lưới cuốn đứt rời cánh tay phải. Sau đó, anh S. và phần cánh tay đứt lìa được người nhà chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, đau nhiều, kích thích, da niêm nhợt, vã mồ hôi, vết thương vùng vai băng rỉ máu nhiều. Ekip trực tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bà Rịa đã kích hoạt báo động đỏ nội viện nhằm huy động các nguồn lực cần thiết cho việc cứu sống người bệnh, cứu sống chi đứt rời cũng như chuẩn bị máu, phòng mổ, phương tiện hồi sức…
Sau gần 7 giờ phẫu thuật, cánh tay đã được nối lại, bàn tay và các ngón tay ấm hồng. Ca phẫu thuật có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu cho nối mạch máu và nối thần kinh. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, bàn tay ấm hồng, không còn sưng nề, vết thương ổn định. Cánh tay đứt lìa đã sống tốt sau phẫu thuật nối.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa (bác sĩ phẫu thuật chính nối chi cho bệnh nhân N.S) cho biết, đây là trường hợp đứt lìa chi hiếm gặp, đặc biệt phần chi đứt lìa lớn.
Ekip của bệnh viện đã cấp cứu kịp thời, tận dụng thời gian vàng để có kết quả phục hồi tốt nhất. Bệnh viện ứng dụng kỹ thuật cao (Kỹ thuật vi phẫu trong nối ghép mạch máu, nối thần kinh) để triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam khuyến cáo, người dân khi bị đứt lìa chi thể cần băng ép cầm máu phần mỏm cụt (phần còn dính với cơ thể), phần đứt lìa phải dùng vải sạch bao bọc lại bỏ vào túi nilon và đặt vào thùng đá (tránh tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh).
Sau đó, chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu sẽ mất đi thời gian vàng để nối lại chi thể và hậu quả không tốt sau khi nối; đôi khi không thể nối lại chi thể do để quá lâu.
Nỗ lực cứu nam bệnh nhân 28 tuổi gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng
Theo thông tin trên VTV News, nam bệnh nhân 28 tuổi được đưa vào Phòng khám Đa khoa Hùng Vương – Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) cấp cứu sau tai nạn nghiêm trọng giữa xe máy và ô tô. Đau ngực, khó thở, kích thích vật vã là trạng thái của bệnh nhân khi đến phòng cấp cứu.
Kết quả chụp CT cho hình ảnh chấn thương nghiêm trọng ngực, gãy nhiều xương sườn hai bên, gãy xương đòn bên trái, gãy thân xương ức, tràn khí màng phổi 2 bên mức độ nhiều; chấn thương gan độ III, tuyến thượng thận phải độ IV; đụng dập, chảy máu phổi hai bên.
Bệnh nhân ngày càng khó thở nhiều, SpO2 tụt thấp và cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa Phòng khám Sơn Dương về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) nhanh chóng kết nối. Chỉ định mở màng phổi phải ngay tại phòng cấp cứu của phòng khám để làm giảm áp lực lên phổi, giúp bệnh nhân có thể thở.
Sau khi duy trì đường thở và các chỉ số, giảm đau, chống sốc, bệnh nhân được chuyển ngay về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương và chuyển phòng phẫu thuật mở màng phổi bên trái.
Ngày thứ 3 sau khi nhập viện điều trị, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản chuyển thở máy. Do phổi tổn thương nặng sau tai nạn giao thông, những cuộc hội chẩn toàn viện, liên viện diễn ra để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Ngoài việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, các bác sĩ còn tư vấn, ổn định về tâm lý cho người nhà. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được rút dẫn lưu màng phổi 2 bên và sau 7 ngày, bệnh nhân được rút nội khí quản chuyển thở oxy lưu lượng cao.
Phác đồ điều trị tích cực tiếp tục được duy trì cùng chăm sóc dinh dưỡng. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không khó thở, phổi hai bên thông khí tốt, tự thở khí phòng.
Đinh Kim(T/h)