Tiết lộ căn bệnh khiến nhiều người Việt tử vong hơn cả ung thư
Theo VietNamNet, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam chia sẻ tại chương trình thực tế cộng đồng hưởng ứng ngày Tim mạch thế giới. Chương trình do Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam kết hợp phối hợp tổ chức tại Thái Bình vào 16/9.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, bệnh lý tim mạch (bao gồm cả đột quỵ) cướp đi 19,5 triệu sinh mạng.
"Số ca tử vong do tim mạch lớn hơn cộng gộp cả ba nguyên nhân gây tử vong sau đó, như ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường", PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nói. Một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm tới 75%).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong khi đó, có khoảng 82.000 người Việt tử vong vì ung thư mỗi năm.
Theo vị chuyên gia, lối sống ảnh hưởng rất lớn tới bệnh lý tim mạch, bên cạnh các yếu tố khác như gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… Trong đó có thói quen xấu như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng bệnh.
Từ năm 2000, Liên đoàn Tim mạch thế giới phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNESCO chọn ngày 29/9 hằng năm là ngày Tim mạch thế giới. Năm nay, chủ đề của ngày Tim mạch Thế giới là "Hiểu về trái tim mình bằng cả trái tim" (Use heart, know heart), nhấn mạnh mỗi người hãy tự nhận thức và chăm sóc chính trái tim của mình là cách tốt nhất để giảm được các biến cố tim mạch.
"Những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.… có thể giúp tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch", PGS.TS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Môi thâm đen, lưỡi phù nề do mắc hội chứng Lyell
Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân tên N.N.H. (16 tuổi) nhập viện trong tình trạng da toàn thân nổi nhiều nốt dị ứng, kèm theo một số bọng nước kích thước không đều nhau, mật độ vừa, theo thông tin trên VietNamNet.
Niêm mạc miệng, lưỡi của H. sung huyết, trên bề mặt có nhiều giả mạc, dạng hoại tử thượng bì, rỉ máu đau rát. Vì vậy, bệnh nhân không ăn uống được. Niêm mạc mắt viêm đỏ phù nề, mắt mở hạn chế. Bộ phận sinh dục có bọng nước và vết trợt đau rát nhiều.
Gia đình kể, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống động kinh ở nhà. Sau khi dùng thuốc khoảng 1 tuần, người bệnh nổi ban đỏ, niêm mạc miệng lưỡi đau. Bệnh nhân được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn khám và điều trị.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc kết luận người bệnh mắc hội chứng Lyell. Sau 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định, các triệu chứng gần như khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì.
XEM THÊM: Phần lớn bệnh nhân trong vụ cháy chung cư mini đang diễn biến tích cực
Được biết, hội chứng Lyell còn được gọi là hoại tử thượng bì do nhiễm độc. Đây là một hội chứng gồm nhiều triệu chứng da, niêm mạc và nội tạng, tiến triển nặng. Phần lớn nguyên nhân do thuốc và đây là thể lâm sàng nặng nhất của dị ứng thuốc.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Lyell cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Việc chăm sóc kịp thời đóng vai trò tiên quyết trong việc cứu sống người bệnh.
Hy hữu người phụ nữ có 2 phôi thai phát triển trong và ngoài tử cung
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) vừa phẫu thuật nội soi khối chửa ngoài tử cung bị vỡ cho một trường hợp làm IVF. Cụ thể, chị N.T.L. (24 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) kết hôn hơn 3 năm nhưng chưa có con, qua thăm khám vợ chồng chị biết được hai bên vòi trứng có một bên bị dính, một bên bị tắc kẽ nên khó có thể mang thai tự nhiên.
Qua tư vấn của bác sĩ, vợ chồng chị L. quyết định tiến hành làm IVF để tìm con. "Lần chuyển phôi thứ nhất của tôi không đậu, sau đấy 2 tháng, tôi chuyển phôi lần thứ hai thì đậu", chị L. chia sẻ. Lần thứ hai chuyển phôi này, chị L chọn chuyển một phôi (ngày 5).
Ngày 4/9, khi phôi thai đang ở tuần 13, chị L. thấy đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều kèm mệt mỏi nên đã tới Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt để thăm khám.
Qua hình ảnh siêu âm, thăm khám lâm sàng, hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có một khối chửa ngoài tử cung khác - khối này đã vỡ và đang chảy máu, bên cạnh phôi thai 13 tuần ở trong tử cung. Điều này có nghĩa đang có 2 phôi thai phát triển ở trong và ngoài tử cung của bệnh nhân. Điều thực sự rất đặc biệt, bởi bệnh nhân chỉ chuyển một phôi.
Sau khi giải thích và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi để lấy khối chửa ngoài, cầm máu cho bệnh nhân, tránh nguy cơ chảy máu trong, đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
ThS.BS Nguyễn Nguyên Đông - Giám đốc Bệnh viện, trưởng ekip phẫu thuật cho biết: "Sau khi hội chẩn, chúng tôi đã quyết định sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi, với ưu điểm: vết mổ nhỏ, hạn chế xâm lấn. Vị trí can thiệp đặt ống phẫu thuật nội soi ở phía dưới tử cung sẽ không gây ảnh hưởng cho thai nhi trong buồng tử cung".
Quá trình gây mê, gây tê cũng được hội chẩn, chuẩn bị, tính toán vô cùng kỹ lưỡng, để đảm bảo thành công cho cuộc mổ, đặc biệt là an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Đúng như chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, khối chửa ngoài nhìn thấy rất rõ qua hình ảnh nội soi.
Sau 2 giờ tập trung cao độ, cuộc phẫu thuật đã thành công. Khối chửa ngoài tử cung đã được loại bỏ. Thai nhi trong buồng tử cung an toàn và tim thai tốt. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, chuyển chăm sóc tích cực tại Khoa Phụ sản. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân sức khỏe đã hồi phục, có thể dậy đi lại, ăn ngủ tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông, đây là một trường hợp chửa ngoài tử cung khá hy hữu và hiếm gặp. Khối chửa ngoài tử cung khá nhỏ, lại kèm thêm phôi thai trong tử cung phát triển lớn hơn, gần như che lấp mất khối chửa ngoài này, nên khi siêu âm gần như rất là khó phát hiện chính xác. Các bác sĩ phải chẩn đoán dựa trên cả lâm sàng và cận lâm sàng.
Đinh Kim (T/h)