Yên Bái ghi nhận gần 300 ca mắc sốt mò từ đầu năm 2023 đến nay
Theo VietNamNet, ngày 13/9, Sở Y tế Yên Bái thông tin từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận 290 ca sốt mò. Số liệu tổng hợp từ các trung tâm y tế. Riêng tháng 8/2023, tỉnh ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12 ca so với tháng 7.
Cũng trong tháng 8/2023, tỉnh ghi nhận một ca tử vong, là cô gái 16 tuổi ở huyện Trạm Tấu. Nguyên nhân tử vong được xác định là bệnh nhân đến viện khám và điều trị muộn.
Khi đến bệnh viện, các triệu chứng bệnh đã rất nặng nề, tình trạng bệnh lý diễn biến nhanh, kèm theo các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu tiêu hóa. Tiên lượng khi nhập viện rất xấu, bệnh nhân tử vong sau một ngày điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, cho hay sốt mò là bệnh do loại vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi, truyền bệnh sang người khi bị ấu trùng mò đốt.
Nguồn truyền nhiễm là các động vật hoang dã như loài gậm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)… Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 9-10, đỉnh cao của bệnh vào những tháng 6-9.
Mò Leptotrombidium thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm phía trên là các vòm cây cao; hoặc trong các hang đá có các loài gặm nhấm sống. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động.
Vị trí mò thường đốt ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí trong vành tai, rốn, mi mắt. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân sốt mò dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.
Gắp hơn 100 con giòi trên đầu bệnh nhân 53 tuổi
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, các bác sĩ phòng khám Ngoại của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân C.T.C. (53 tuổi trú tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang) trong tình trạng có vết thương phức tạp rách sâu sát xương vùng đầu khoảng 10cm, chảy dịch, mùi hôi kèm theo có giòi.
Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi bị ngã rách vùng đầu, ông C. không đến cơ sở y tế khám. Sau 7 ngày, vết thương xuất hiện chảy dịch, mùi hôi kèm theo có giòi nên bệnh nhân được người nhà đưa vào viện kiểm tra.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng vết thương vùng đỉnh đầu. Các bác sĩ rửa vết thương và gắp ra được 60 con giòi ký sinh tại vết thương. Ngày thứ 2 điều trị các bác sĩ tiếp tục gắp được hơn 40 con giòi. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị thương vết rách sâu, to, người bệnh nên tới cơ sở y tế để được làm sạch vết thương và phòng nhiễm trùng.
Dấu hiệu nhiễm trùng vết thương hở là chảy dịch màu vàng hoặc màu xanh, có hoặc không kèm theo mùi hôi khó chịu, xuất hiện vết đỏ trên da quanh vết thương, đau nặng, người mệt mỏi và sốt.
Bệnh nhân cần giữ vết thương luôn khô ráo, sạch sẽ và làm sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý.
Bệnh nhân 17 tuổi bị sốc sốt xuất huyết
Theo thông tin trên VnExpress, bệnh nhân L. (17 tuổi) bị đau mỏi toàn thân, buồn nôn, choáng ngã do tụt huyết áp sau 3 ngày sốt cao. ThS.ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu -khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bệnh nhân nhập viện còn tỉnh nhưng mệt, mạch yếu, đầu chi lạnh, không có nước tiểu trong 6 giờ.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc do sốt xuất huyết Dengue, mạch máu tổn thương, giãn mạch gây thoát huyết tương nặng dẫn đến tụt huyết áp. "Tình trạng này làm giảm tưới máu các cơ quan gây sốc, khiến bệnh nhân choáng ngã", bác sĩ Hậu nói.
Được biết, sốc là biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Người bị sốc sốt xuất huyết trong 24 - 48 giờ có thể nguy kịch do suy đa tạng, tử vong nếu không được chữa trị.
Người bệnh nói trên may mắn vì đến viện kịp thời. Bác sĩ điều trị bằng phác đồ bù lượng dịch theo tốc độ 15 ml/kg/giờ trong giờ đầu, giảm xuống trong các giờ tiếp theo, duy trì 1,5 ml/kg/giờ trong 10-12 giờ.
Trong thời gian này, bác sĩ theo dõi sát những diễn biến bất thường. Sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, huyết áp và mạch bình thường, đầu chi ấm, tiểu được. Bệnh nhân được xuất viện sau 4 ngày.
XEM THÊM: Vụ ngộ độc bánh mì ở TP.Hội An: Số bệnh nhân lên đến 91 người
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội tuần qua ghi nhận thêm 1.669 ca sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.362 ca sốt xuất huyết, ba ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần, số tử vong tương đương. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Đinh Kim(T/h)