Đôi vợ chồng nhập viện cấp cứu sau khi ăn ốc biển
Theo Tri Thức Trực Tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết đã tiếp nhận cặp vợ chồng bị ngộ độc sau khi vô tình ăn phải loại ốc biển có độc tính. Hai bệnh nhân là anh P.V.X. (42 tuổi) và chị T.T.T. (35 tuổi), cùng trú tại phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Theo chia sẻ của chị T., một ngày trước khi nhập viện, hai vợ chồng cùng đi ăn ốc buổi tối. Sau ăn, cả hai bệnh nhân cảm thấy tê lưỡi, đầu môi, chân tay. Sáng ngủ dậy, họ xuất hiện tình trạng chóng mặt, đi lại khó khăn nên lập tức đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận cấp cứu và xác định tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc hải sản - ốc biển, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị thải độc và hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 5 ngày, tình trạng sức khỏe hai bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện.
Ốc biển là nguyên liệu hải sản phổ biến trong ẩm thực, được nhiều thực khách yêu thích, sử dụng. Tuy nhiên, một số loài ốc biển như ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc bùn… có độc tố.
Chất độc của ốc biển thường có hai loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Chúng thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, bền vững với nhiệt. Các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh ăn phải những loại hải sản có độc, người dân cần lưu ý không nên ăn những loại mới lạ, không rõ nguồn gốc, tên gọi. Bạn cần phân biệt được một số loại chứa độc tố có thực thể giống với hải sản không độc tố trước khi sử dụng. Khi có dấu hiệu ngộ độc, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cụ ông 72 tuổi nuốt nhầm viên thuốc còn nguyên vỏ nhọn
Bác sĩ Trần Tiến Duy, khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Quận 7, cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nuốt dị vật là viên thuốc chưa bóc vỏ, còn nguyên trong vỉ thuốc, theo báo Người Lao Động.
Bệnh nhân đến khám Phòng khám tiêu hóa - Bệnh viện Quận 7 trong tình trạng khó chịu, cảm giác nghẹn đau và có vật mắc vùng cổ. Trong quá trình nội soi bác sĩ ghi nhận có một viên thuốc còn nguyên vỏ nằm kẹt ở thực quản, những cạnh sắc của vỏ viên thuốc chọc vào thành thực quản và gây tổn thương niêm mạc thực quản thành từng đường.
Trường hợp này nếu không được lấy ra dị vật này sẽ gây thủng thực quản, áp xe trung thất và có thể gây tử vong. Ekip hội chẩn dùng phương pháp nội soi thực quản ống mềm để gắp dị vật ra. Sau chưa đầy 30 phút, đã gắp thành công dị vật là một viên thuốc còn nguyên vỏ với cạnh sắc nhọn, đường kính khoảng 1,5cm ra khỏi miệng thực quản của người bệnh.
"Tình trạng quên bóc vỏ rồi uống thuốc hay mắc xương ở người lớn không phải là tình trạng hiếm gặp mà rất phổ biến. Việc này tuy đơn giản nhưng người lớn hay sơ ý dẫn đến gặp phải tình trạng không mong muốn", bác sĩ Trần Tiến Duy cho hay.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh không nên uống 1 lần nhiều viên thuốc, đặc biệt lưu ý phải lấy hết thuốc ra khỏi vỏ. Đồng thời, không nên nói chuyện trong khi uống thuốc hay ăn uống.
Trường hợp người bệnh sau khi nghi ngờ sặc hay nuốt bất cứ dị vật nào, nên đến khám ngay tại cơ sở y tế để tránh biến chứng nặng do dị vật tồn lưu trong cơ thể gây ra. Thời gian dị vật càng lâu trong cơ thể càng tăng mức độ nặng của biến chứng.
Người đàn ông tim phình to, xơ gan vì uống nhiều rượu
Theo thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến, bác sĩ CKII Phạm Ngọc Kiếu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - ICU Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.P. (43 tuổi) trong tình trạng suy hô hấp, sốc, tim loạn nhịp.
Trước đó, ngày 4/5, người bệnh nhập viện tại cơ sở y tế khác trong tình trạng mệt, khó thở, được chẩn đoán rối loạn nhịp tim, xơ gan, nghiện rượu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị xơ gan do quá trình uống rượu lâu ngày, tim rất to, các buồng tim giãn nở, phân suất tống máu (EF) giảm nặng còn 26%, hở van 3 lá 4/4, hở van 2 lá 2/4 và có cục huyết khối trong buồng tim trái.
Bệnh nhân được chẩn đoán suy tim cấp từ bệnh cơ tim giãn nở do rượu, rung nhĩ đáp ứng nhanh/xơ gan, nghiện rượu. Người bệnh được điều trị tích cực với dịch truyền, các thuốc hỗ trợ tim mạch, đặt nội khí quản thở máy...
Đến chiều ngày 16/5, bệnh nhân còn trong tình trạng rất nặng, phải thở máy hỗ trợ và dùng thuốc vận mạch để giúp cơ tim co bóp. Tuy nhiên, kết quả điều trị vẫn chưa khả quan.
Đinh Kim(T/h)