Người đàn ông tử vong sau vài ngày tham gia giết mổ lợn bệnh
Chiều ngày 15/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người tử vong, theo báo Hà Nội Mới.
Cụ thể, bệnh nhân thứ nhất vừa ghi nhận mắc liên cầu khuẩn lợn là nam 48 tuổi, địa chỉ ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Bệnh nhân này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn. Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Bệnh nhân thứ hai là nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên. Một ngày sau khi bán hàng trở về nhà, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ý thức kém, lơ mơ.
Người bệnh được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu dịch não tủy nuôi cấy và kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 5 ca mắc bệnh này, trong đó có 1 ca tử vong, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca mắc.
Tách thành công 4 ngón tay dính bẩm sinh cho bé 4 tuổi
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, bé N.T.T. (4 tuổi, ở Yên Thành, Nghệ An) được bà nội đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám bệnh về tình trạng bàn tay trái bị dính cả 4 ngón. Trẻ chỉ còn ngón cái không bị dính.
Khiếm khuyết này có ngay từ khi bé chào đời. Tuy nhiên, bố mẹ đi làm ăn xa, trẻ ở với bà nên chưa có điều kiện đi khám. Đến nay, khi bé sắp bước vào tuổi đi học, sợ mặc cảm với bạn bè, bà của bé quyết tâm đưa đến viện với hy vọng có lại một bàn tay như những đứa trẻ khác.
Sau khi thăm khám, làm cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn, các bác sĩ đánh giá tình trạng ngón 2, 3, 4, 5 bàn tay trái của trẻ dính lại với nhau và nhỏ hơn so với bàn tay phải. Các ngón chỉ dính phần mềm, không dính xương.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật tách dính cả 4 ngón trong một lần duy nhất. Đây là phẫu thuật tách dính ngón tay rất phức tạp, dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sau mổ, trẻ có thể có những nguy cơ như hoại tử vạt da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón, có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác.
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau 4 giờ với sự phối hợp của các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng và Gây mê. Sau mổ, bệnh nhi được chăm sóc và thay băng 2 lần.
Bệnh nhi xuất viện sau 7 ngày điều trị, tái khám mỗi tuần một lần. Đến lần tái khám thứ 2, cả 4 ngón tay của bé đã hồi phục hoàn toàn, các ngón hồng hào. Được biết, đây là lần đầu tiên phẫu thuật thành công tách dính cả 4 ngón tay bị dính nhau trong một lần phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Thay huyết tương, lọc máu cứu người đàn ông bị viêm tụy cấp
Theo báo Người Lao Động, chiều ngày 15/5, bác sĩ CKI Vương Mỹ Dung - khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho hay , vừa thay huyết tương, lọc máu cứu nam bệnh nhân P.H.M. (44 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk). Anh M. bị viêm tụy cấp, máu đục như sữa do uống nhiều rượu bia và tăng triglycerid máu.
Trước đó, bệnh nhân chuyển từ bệnh viện địa phương đến cấp cứu trong tình trạng chướng bụng, đau bụng âm ỉ, sốt, buồn nôn, không ăn uống được. Cơn đau lan dần lên ngực, sang hai bên mạn sườn và sau lưng.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ pH động mạch giảm còn 7.2 (bình thường 7.35 – 7.45), HCO3 giảm còn 13.1mmol/l (bình thường 22 – 26mmol/l). Định lượng triglycerid (chất béo trung gian) tăng đến 23mmol/l, gấp 13 lần bình thường (bình thường dưới 1.7mmol/l).
Các bác sĩ nhận định huyết tương của bệnh nhân trắng đục như sữa do mỡ máu tăng quá cao. Người bệnh bị toan chuyển hóa, viêm tụy cấp thể nặng, có nguy cơ tử vong cao, cần được lọc máu, thay huyết tương cấp cứu.
Bệnh nhân nhanh chóng được đặt catheter tĩnh mạch đùi, thay huyết tương song song lọc máu liên tục bằng hệ thống siêu lọc. Sau 3 tiếng, người bệnh bước đầu thoát khỏi tử thần.
Vợ bệnh nhân cho biết, anh có thói quen uống nửa lít rượu hoặc 6 lon bia vào mỗi buổi chiều sau khi đi làm về. Lúc có bạn bè hàng xóm đông vui, anh uống nhiều hơn và từng bị viêm tụy cấp 2 tháng trước đó.
Đinh Kim(T/h)