Anh ruột hiến thận cứu em trai bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối
Theo TTXVN, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) vừa phối hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố về ca ghép thận thành công đầu tiên, đánh dấu sự phát triển bước ngoặt về chuyên môn và tổ chức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Trước đó, ngày 6/6, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ cặp ghép cùng huyết thống là anh em ruột, quê ở Kiến An (Hải Phòng).
Người bệnh là nam giới, sinh năm 1991, bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần trong một năm nay. Người hiến thận là anh trai của bệnh nhân, sinh năm 1988.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ ca ghép. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi để lấy thận từ người hiến, sau đó ghép cho người nhận bằng các kỹ thuật chuyên khoa sâu. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca ghép thận được thực hiện thành công, thận hiến đã bắt đầu tiết nước tiểu.
Sau phẫu thuật, cặp ghép được hồi sức và chăm sóc đặc biệt, tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức và chăm sóc sau ghép bởi đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản.
Sau 7 ngày phẫu thuật, cặp ghép đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân sau ghép có sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ, tự đi lại, ăn uống tốt, tự vệ sinh cá nhân, tiểu tiện bình thường. Xét nghiệm chức năng thận trở về bình thường.
Thay khớp háng cho nam bệnh nhân nhiễm HIV
Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Kiều Quốc Hiền - Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Bệnh viện E, cho biết cách đây 3 ngày, đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng đau khớp háng 2 bên, vận động đi lại khó khăn, đau nhiều.
Theo hồ sơ bệnh án, người bệnh cho biết đã tiến hành điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) cách đây 7 năm. Người bệnh đau khớp háng 2 bên khoảng 6 năm nhưng do tâm lý e ngại nên không đến cơ sở y tế nào điều trị. Mãi gần đây, bệnh nhân mới đi khám vì những cơn đau tăng dần, ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại. Thậm chí nhiều lúc, anh còn phải bò vì không thể đi.
Theo kết quả chụp X-quang, người bệnh bị hoại tử toàn bộ chỏm xương đùi 2 bên giai đoạn cuối và phải phẫu thuật thay khớp háng. Bác sĩ Hiền chia sẻ ngay từ trước khi bắt đầu cuộc mổ, các bác sĩ đã xác định đây là ca phẫu thuật cho người mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, việc phẫu thuật sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn rất nhiều.
"Khoa Gây mê hồi sức đã chuẩn bị phòng mổ với trang thiết bị phòng hộ cần thiết. Ngoài ra, để giảm và hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, người bệnh cũng được xét nghiệm kiểm tra tiền phẫu thuật cẩn thận", bác sĩ Hiền cho biết.
Trong quá trình phẫu thuật dài một giờ, các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức còn gặp khó trong việc lấy ven bình thường cho bệnh nhân. Bệnh nhân phải lấy ven tĩnh mạch trung ương để dùng thuốc trong suốt quá trình mổ và sau mổ.
Bên cạnh đó, yếu tố vô khuẩn cũng được đặc biệt chú trọng do người bệnh nhiễm HIV kèm HCV (viêm gan đặc hiệu), nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Theo bác sĩ Hiền, điều đặc biệt ở ca bệnh này là xảy ra ở người mắc bệnh truyền nhiễm.
Việc thay khớp háng nhân tạo toàn phần không gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sau mổ. Tuy vậy, trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác.
Mẩu xương cá đâm thủng đường tiêu hóa của người phụ nữ
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện An Sinh TP HCM cho hay vừa cấp cứu xử trí rút dị vật đâm thủng đường tiêu hóa một phụ nữ nhiều ngày mà không hay biết. Cụ thể, bệnh nhân là bà N.C.P (79 tuổi, ở quận Tân Bình), bị đau bụng âm ỉ lâu ngày và đã từng đi khám nhiều nơi cũng chưa phát hiện ra.
Trong một lần đi uống cà phê cùng mấy người bạn vào sáng ngày 11/6, bà đau bụng nhiều hơn nên xin về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cơn đau càng làm tới nên được nhà đưa đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện An Sinh, qua kiểm tra kỹ, chụp CT ổ bụng, các bác sĩ ghi nhận bên trong ổ bụng bị tổn thương, viêm nhiễm hết ổ bụng do dị vật đâm xuyên thành ruột. Chẩn đoán xác định bệnh nhân viêm phúc mạc khu trú.
Do bệnh nhân tiền căn có nhiều bệnh nền huyết, tiểu đường, từng đặt sten tim mạch và đang uống thuốc chống đông máu nên để thực hiện ca can thiệp này thì vấn đề không nhỏ đặt ra nhiều thách thức đối với các bác sĩ.
Tuy nhiên, sau khi được kiểm soát ổn định trước mổ, truyền tiểu cầu, sinh hiệu ổn định, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát đã thực hiện thành công và qua hơn 1 giờ nội soi đã rút ra một mẩu xương cá dài 5cm dẫn lưu dịch ra ngoài.
Theo bác sĩ CKII Võ Đức Tâm - Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện An Sinh, đến ngày 15/6, sức khỏe bệnh nhân ổn định sau mổ, đi lại, trung - đại tiện được.
"Nhiều tai nạn bị tăm xỉa răng, xương cá đâm thủng ruột, dạ dày do người dân sơ ý. Vì vậy, cần cảnh giác những tai nạn này, đặc biệt những người ngậm tăm sau ăn rồi ngủ quên", bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Đinh Kim(T/h)