Huy động hơn 10 bác sĩ cứu cô gái bị xe container cán ngang người
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, tối 13/7, bệnh nhân P.N.M. (23 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch khi bị container cán ngang vùng thân dưới.
Sau khi tiến hành thăm khám, chụp CT-scan, các bác sĩ phát hiện nạn nhân bị đa chấn thương nghiêm trọng, gãy xương cánh chậu, gãy xương mu, gãy kín ngành ngồi 2 bên, lóc da vùng xương mu rộng và vùng bẹn đùi…
Trước tình trạng quá nặng, nguy hiểm tính mạng trên, ekip trực cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động cùng lúc hơn 10 bác sĩ của 5 khoa liên quan để tiến hành can thiệp phẫu thuật khẩn cho cô gái.
Quá trình mổ, bệnh nhân được lấy bỏ hết dị vật, cắt bỏ mô dập nát, đặt và dẫn lưu áp lực âm vào khoang đùi trái rồi đóng da, băng vết thương. Do mất máu quá nhiều, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu và nhiều chế phẩm máu. May mắn là khi tiến hành siêu âm bụng, các bác sĩ chưa ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương tạng.
Bác sĩ CKI Ngô Ngọc Dương, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện bệnh nhân đã tỉnh, phục hồi tốt. Dù vậy, bác sĩ vẫn chưa thể đánh giá được các di chứng, có thể bệnh nhân sẽ bị hẹp xương chậu, khó sinh về sau.
Phẫu thuật “2 trong 1” cho bé gái bị lõm ngực nặng
Theo TTXVN, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thông tin, đơn vị vừa thực hiện ca phẫu thuật “2 trong 1” cho bệnh nhi nhỏ tuổi bị lõm ngực nặng với độ lõm ngực lên đến 9cm.
Cụ thể, bệnh nhi là bé gái B.K.N.T (37 tháng tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) nhập viện trong tình trạng khó thở, viêm phổi nặng. Trước đó, bệnh nhi nhập viện điều trị nhiều lần tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng viêm phổi, khó thở tái đi tái lại nhiều lần.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ xác định, bé gái bị lõm ngực nặng. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, độ lõm ngực của trẻ là trên 9cm, gấp 3 lần so với mức lõm ngực nặng.
Đây cũng là lý do khiến phổi của bé bị chèn ép dẫn đến khó thở. Qua thăm khám, các bác sĩ còn phát hiện bên phổi phải của bé gái có kén khí, dẫn đến viêm phổi tái phát nhiều lần. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, thông thường các bệnh nhi bị dị tật lõm ngực sẽ chờ đến 8 tuổi mới thực hiện phẫu thuật nhưng với bệnh nhi này bác sĩ buộc phải phẫu thuật sớm bởi tim, phổi đã bị chèn ép. Nếu không phẫu thuật kịp thời không chỉ phổi có vấn đề mà tim bị chèn ép cũng sẽ bị hở van tim.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật “2 trong 1” vừa xử lý cắt thùy phổi phải có chứa kén khí, vừa đặt thanh nâng vòm ngực cho bệnh nhi. Theo bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1, do bệnh nhi còn quá nhỏ tuổi nên các bác sĩ đã đắn đo, cân nhắc rất nhiều khi quyết định phối hợp hai ekip phẫu thuật.
Các bác sĩ lo ngại với mức độ lõm quá sâu, việc đặt thanh nâng ngực sẽ gây đau đớn nhiều, lúc hậu phẫu bé sẽ sợ đau, không dám thở, dẫn đến ngưng thở. Ngoài ra, nếu hậu phẫu có vấn đề tim mạch, việc nhồi tim sẽ khó khả thi, việc hồi sức sau mổ cũng đối diện nhiều thách thức.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn do độ lõm ngực của bệnh nhi quá nặng. Khoảng cách giữa xương ức và cột sống quá gần, buộc các bác sĩ phải tìm cách luồn lách dụng cụ phẫu thuật để không ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng khác.
XEM THÊM: Phú Thọ: Người đàn ông phải nhập viện sau khi ăn châu chấu rang
Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhi được hỗ trợ thở máy trong 2 ngày, sau đó cai máy thở và hồi phục sức khỏe. Chị K.N.T.K, mẹ bệnh nhi cho biết, sau phẫu thuật bé gái ăn uống tốt hơn, không còn tình trạng thở mệt, lúc ngủ không còn phải kê cao gối như trước đây.
Được biết, đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bị lõm ngực được thực hiện phẫu thuật đặt thanh nâng ngực tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Nội soi qua đường mũi gặp dị vật ở phế quản phải cho bệnh nhân
Theo VietNamNet, ThS.BS Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt khiến chị “mất ăn mất ngủ”. Cụ thể, bệnh nhân là một phụ nữ 36 tuổi bị hóc dị vật. Tai nạn xảy ra khi người này ăn hồng xiêm (quả sapoche) bằng thìa, bị sặc và khó thở ngay sau khi nuốt.
Khi đến một bệnh viện khám, bệnh nhân được chụp CT scan ngực, xác định hạt hồng xiêm đã rơi vào phổi phải. Ngày hôm sau, chị được tiến hành gắp dị vật bằng ống cứng nhưng không thành công. Dị vật chui sâu xuống một nhánh phế quản nhỏ tận đáy phổi phải, rách thực quản.
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào ngày 5/7. Theo bác sĩ Thanh, lúc này bệnh nhân đã bị viêm trung thất, nhiễm trùng khá nặng. Mặc dù tiến hành nội soi cấp cứu ngay nhưng bác sĩ cũng “bó tay” vì giả mạc chôn vùi hoàn toàn hạt hồng xiêm, áp xe đông đặc sau dị vật.
Bác sĩ Thanh chỉ định bệnh nhân sử dụng 10 ngày thuốc kháng sinh, kháng viêm để giải quyết tình trạng nhiễm trùng. Đến chiều 14/7, bệnh nhân được thực hiện nội soi qua đường mũi để gắp hạt hồng xiêm ở phế quản phải. Trước khi thực hiện, bác sĩ đã gặp người nhà bệnh nhân để giải thích trước nguy cơ thất bại khá cao khi gắp dị vật đặc biệt này.
Quá trình thực hiện thủ thuật, bác sĩ quan sát thấy hình ảnh dị vật giống như đầu của "cá voi sát thủ". Ghi nhận có nhiều đàm mủ ở các lỗ phế quản phải. Bên cạnh đó, hạt hồng xiêm rất trơn nên thao tác gắp khó khăn. Tuy nhiên, dị vật đã được gắp thành công sau 10 ngày bác sĩ và người bệnh đều căng thẳng.
Đinh Kim(T/h)