Nam thanh niên bị thủng ruột do nuốt tăm tre
Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, khoảng 10h ngày 12/7, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) tiếp nhận bệnh nhân nam H.V.D (18 tuổi). Người bệnh bị thiểu năng trí tuệ, nhập viện trong tình trạng toàn thân sốt, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, da niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, đau khắp bụng.
Người nhà cho biết, bệnh nhân đau bụng 3 ngày nay. Trước đó, vào ngày 20/1, người bệnh vô tình nuốt tăm tre vào bụng, đã được gia đình đưa xuống bệnh viện đa khoa tỉnh khám, điều trị. Sau đó bệnh nhân được cho về theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, do người bệnh bị thiểu năng trí tuệ nên gia đình không theo dõi được tăm tre đã được đào thải ra ngoài hay chưa. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng người bệnh có kêu đau bụng rồi lại ổn định.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ khoa Ngoại - Liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên tiếp đón khẩn trương, hồi sức tích cực và chỉ định các thăm khám cận lâm sàng. Chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể, có khả năng thủng ống tiêu hóa do dị vật và cần phẫu thuật cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật, phát hiện ổ bụng có nhiều dịch viêm màu hồng, các quai ruột dính nhiều, đoạn hồi tràng cách van hồi manh tràng khoảng 10cm có que tăm tre chọc thủng ra ngoài thành ruột. Xung quanh bao dính tạo khối quánh viêm hoại tử đoạn ruột khoảng 10cm.
Kíp phẫu thuật đã tiến hành rút que tăm tre dài khoảng 6cm. Kiểm tra đoạn ruột quanh vị trí thủng bị viêm hoại tử không có khả năng hồi phục, tiến hành cắt bỏ đoạn ruột khoảng 15cm.
Kiểm tra thấy ruột thừa dính và viêm thứ phát, Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ ruột thừa kết hợp, đặt 2 dẫn lưu ổ bụng. Đến nay, sức khoẻ người bệnh dần ổn định, tiếp tục điều trị hậu phẫu tích cực.
Phẫu thuật cho người phụ nữ bị đa u xơ tử cung số lượng lớn
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chị T.T.T ở quận Ngô Quyền (TP.Hải Phòng) gần đây thấy rong kinh dài, đau bụng khi đến tháng. Đến đến khám tại khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, bác sĩ chẩn đoán, chị bị đa u xơ tử cung số lượng lớn, tử cung to như mang thai tháng thứ 3.
Khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng cho biết chị T. còn trẻ, chưa sinh con, nếu phải cắt bỏ tử cung sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt cơ hội mang thai của bệnh nhân.
Khoa Hỗ trợ sinh sản đã mời PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm – Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng hội chẩn, quyết định hướng điều trị cho người bệnh. Sau khi khám, nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án, PGS.TS Vũ Văn Tâm nhận thấy đối với phụ nữ trẻ chưa sinh con, bảo tồn tử cung để họ có hy vọng được làm mẹ là cần thiết.
XEM THÊM: Gục ngã trên đường đi làm về, người đàn ông rơi vào hôn mê, ngưng tim
Sau hội ý với kíp phẫu thuật,, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật mổ mở, khéo léo, kiên trì bóc tách từng khối u… Hơn một giờ thực hiện, toàn bộ 13 khối u xơ lớn nhỏ (kích thước khối lớn nhất: 6 x 7 cm; khối nhỏ: 1 x 1 cm) đã được bóc tách thành công, tử cung người bệnh được bảo tồn.
Ca mổ thành công, các khối u bị loại bỏ, tử cung được bảo tồn, đem lại niềm hy vọng mang thai, sinh con cho người bệnh Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm nói riêng và thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nói chung.
Phát hiện mắc bệnh lý mạch máu não nguy hiểm sau cơn đau đầu dữ dội
Theo VietNamNet, nam bệnh nhân N.X.T (66 tuổi, ở Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, thỉnh thoảng đau đầu từng cơn thoáng qua. Tuần trước, ông bỗng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội. "Cơn đau đầu dữ dội bất ngờ ập đến, tôi đã cố chịu đựng, uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ", ông chia sẻ với bác sĩ.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hôm 5/7 phát hiện ông T. chảy máu khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não thông trước, kích thước túi phình 5x6mm.
Các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch cầm máu khối phình bị vỡ nhằm ổn định tình trạng xuất huyết và tránh nguy cơ tái xuất huyết cho người bệnh. Kỹ thuật được sử dụng là nút coil.
Theo đó, phẫu thuật viên luồn vi ống thông từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương, tiếp cận túi phình động mạch não thông trước và thực hiện nút bít túi phình bằng vòng xoắn kim loại (Coil) dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền 2 bình diện (DSA).
Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy, túi phình bị vỡ đã được bít hoàn toàn, tuần hoàn động mạch não hồi phục trở lại. Ngày 13/7, sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục sức khỏe tốt, đi lại được ngay sau can thiệp, không bị di chứng thần kinh.
Được biết, phình động mạch não rất hiếm khi vỡ, chỉ khoảng 0,25% người mang túi phình động mạch não sẽ vỡ, nên phần lớn bệnh nhân sống chung với khối phình mạch, chỉ điều trị khi có nhiều nguy cơ vỡ túi phình. Thông thường, nếu túi phình lớn hơn 5mm, nguy cơ vỡ cao, bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp.
Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ túi phình mạch, máu chảy tràn trong não, gây tổn thương, phù não, tụ máu. Từ đây làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh, chèn ép gây giãn não thất. Người bệnh có nhiều biểu hiện như: đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều...
Xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch rất nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, nguy cơ tàn phế và tỷ lệ tử vong cao.
Đinh Kim(T/h)