+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/1: Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, người phụ nữ bị suy gan, suy tủy xương

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 15/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, người phụ nữ bị suy gan, suy tủy xương

    Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân bị suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

    Trước đó, ngày 12/1, bệnh nhân K.T.S. (38 tuổi, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.

    Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc thể Stevens-Johnson, suy gan, suy tủy xương thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp.

    Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đau khớp, viêm mũi và đã mua thuốc trên mạng để điều trị. Thuốc này được mọi người truyền tai nhau là tốt nên một số người dân trong làng đã nhập về bán số lượng lớn với giá 10.000 đồng/1 gói.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1512024 su dung thuoc khong ro nguon goc nguoi phu nu bi suy gan suy tuy xuong
    Loại thuốc mà bệnh nhân mua để sử dụng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bệnh nhân được chẩn đoán và tiên lượng nặng nên các bác sĩ tư vấn chuyển tuyến trên nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình xin ở lại điều trị. Trước hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, tập thể cán bộ, đoàn thanh niên của trung tâm cũng như tổ công tác xã hội đã quyên góp 5.000.000 đồng; Công ty xuất nhập khẩu lao động Thanh An Kỳ Sơn ủng hộ 1.000.000 đồng giúp đỡ bệnh nhân chuyển tuyến trên để được tiếp tục điều trị.

    Các bác sĩ cảnh báo thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc theo truyền tai nhau, qua quảng cáo trên các trang mạng xã hội hoặc tự ý dùng thuốc không rõ xuất xứ gây ra những hệ lụy khôn lường như trường hợp bệnh nhân S. nói trên.

    Do đó, mọi người cần cảnh giác, không nghe theo quảng cáo, tự ý dùng thuốc tránh rước bệnh vào thân. Khi có bệnh phải tới các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

    Nhiều trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế

    Sáng 14/1, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đơn vị này tiếp nhận và điều trị loạt 4 trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế, trong đó có 3 ca nặng. Hầu hết các bệnh nhân là học sinh, bị thương tổn nặng ở bàn tay và để lại di chứng suốt cuộc đời.

    Cụ thể, báo Hà Nội Mới đưa tin, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam ở Quảng Ninh. Bệnh nhân chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp.

    Mặt gan bàn tay phải nham nhở, đụng dập, tụ máu nhiều, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón I... Ngoài ra, bệnh nhân còn có vết thương ở bàn tay trái và thành bụng. Bệnh nhân được bác sĩ trong tua trực kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương: Tiến hành đánh rửa vết thương nhiều lần, cắt lọc làm sạch, xử lý vết thương phần mềm, khâu phục hồi dây chằng khớp bàn ngón I.

    Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 14 tuổi ở Bắc Giang. Gia đình kể lại, do tò mò, cháu đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay. Bệnh nhân bị dập nát nhiều ngón tay và phải mổ cấp cứu...

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1512024 su dung thuoc khong ro nguon goc nguoi phu nu bi suy gan suy tuy xuong1
    Đa phần các bệnh nhân bị tai nạn do pháo tự chế đều nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân

    Nam bệnh nhân thứ ba ở Nam Định cùng bạn bè sử dụng pháo. Khi đang cầm và đốt trên tay, pháo bất ngờ phát nổ khiến bàn tay của nạn nhân cũng bị dập nát nghiêm trọng, nguy cơ để lại nhiều di chứng sau này...

    Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, bơm rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV. Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, gia đình rất lo lắng về việc phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường trong học tập, sinh hoạt và cả tương lai sau này.

    ThS.BS Lưu Danh Huy - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao cho biết, đa phần các bệnh nhân bị tai nạn do pháo tự chế đều nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao.

    Tỷ lệ cụt ngón bàn tay do tai nạn này rất cao. Ngoài ra còn gây ra các tổn thương khác, như: Phần mềm, da, gân, ngón tay và thần kinh. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi, tổn thương ở tay thuận sẽ ảnh hưởng chức năng sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời.

    Cả nước ghi nhận 121 ca mắc, 6 người tử vong do bệnh đậu mùa khỉ

    Theo báo Người Lao Động, Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước có 121 ca mắc với 6 người tử vong. Phần lớn các ca bệnh ghi nhận tại TP.HCM, ngoài ra phát hiện các ca nhiễm ở Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Cần Thơ...

    Các trường hợp mắc chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%) trong đó nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất. Bệnh nhân đậu mùa khỉ đều có triệu chứng lâm sàng là mụn nước, mụn mủ, phát ban.

    Bộ Y tế nhận định, đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng. Dự báo, trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP.HCM.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1512024 su dung thuoc khong ro nguon goc nguoi phu nu bi suy gan suy tuy xuong2
    Phần lớn các ca bệnh ghi nhận tại TP.HCM, ngoài ra phát hiện các ca nhiễm ở Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Cần Thơ... Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

    Với dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

    Trong năm 2023 cả nước ghi nhận gần 100.000 ca mắc và 20 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy, từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, hơn 43.200 ca tử vong.

    Theo Bộ Y tế những năm gần đây, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Thời tiết đang trong giai đoạn vào mùa đông xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà... Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

    Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.

    XEM THÊM: Thuốc lá điện tử và những mối nguy đối với sức khoẻ con người

    Với bệnh đậu mùa khỉ dấu hiệu là bệnh nhân có phát ban mụn nước: vị trí thường ở mặt, bàn tay chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục, kèm với các triệu chứng sốt, đau cơ, sưng hạch, đau đầu, yếu sức. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

    Hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-15-1-2024-su-dung-thuoc-khong-ro-nguon-goc-nguoi-phu-nu-bi-suy-gan-suy-tuy-xuong-a607182.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan