Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/3/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 1/3/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Khách sạn 64 năm tuổi phá sản vì Covid-19
Khách sạn kiểu truyền thống 64 năm tuổi ở Nhật Bản phá sản vì virus corona. |
Ngành du lịch Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng nặng và chịu nhiều thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19 khi lượng khách quốc tế đặc biệt là khách Trung Quốc giảm đáng kể.
Mới đây nhất, một khách sạn truyền thống với tuổi đời 64 năm kinh doanh nằm tại thị trấn nghỉ dưỡng suối nước nóng "tắm tiên"onsen Nishiura, tỉnh Aichi, đã chính thức nộp đơn xin phá sản.
Đó là khách sạn Fujimisou theo phong cách truyền thống với 46 phòng nghỉ. Đại diện khách sạn cho biết, khi dịch bệnh do virus corona bùng phát khiến khách Trung Quốc hủy toàn bộ đơn đặt phòng vào kỳ nghỉ tết Nguyên Đán - thời điểm kinh doanh mạnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, doanh thu của khách sạn tại các quốc gia khác cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Được biết, đây là một trong những khách sạn có tuổi đời lâu nhất ở tỉnh Aichi. Việc vắng bóng khách du lịch đã giáng đòn chí mạng khiến họ buộc phải phá sản.
Khách sạn Fujimisou từng là điểm nghỉ dưỡng rất được lòng du khách. Tới đây, khách hàng được thưởng thức những món hải sản tươi sống từ vịnh Mikawa, đồng thời nghỉ ngơi tại phòng có tầm nhìn hướng thẳng về phía đại dương. Vào năm 2005, doanh thu của Fujimisou khoảng 4,98 triệu USD.
Sau khủng hoảng tài chính năm 2013, khách sạn chuyển hướng kinh doanh sang thị trường Trung Quốc. Kể từ đó, du khách từ "quốc gia đông dân nhất thế giới" đóng góp chủ yếu cho nguồn thu của khách sạn 64 tuổi này.
Tuy nhiên, chính do sự phụ thuộc quá nhiều từ nguồn thu khách Trung Quốc cũng là yếu tố đẩy khách sạn tuổi đời 64 năm đến bước đường phá sản.
Ở thời điểm hiện tại, tốc độ lây nhiễm viurs corona tại Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm, thì hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới lại bùng nổ, trong đó có Nhật Bản.
Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng với các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng ngày, chính phủ Nhật Bản đưa ra các khuyến cáo nên hủy bỏ hoặc tạm hoãn những buổi hòa nhạc, lễ hội, sự kiện quy mô lớn, hạn chế tập trung đông người...
Tử vong do ăn ốc bùn bóng
Loại ốc mà gia đình đã ăn, trong đó có ốc bùn bóng - Ảnh: Pháp luật TP. HCM |
Ngày 29/2, lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một gia đình bị ngộ độc do ăn ốc biển khiến một người tử vong.
Đó là 3 mẹ con bà V.T.A (44 tuổi), ở Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Sau khi ăn ốc luộc, gia đình gồm 3 người cảm thấy bị tê chân tay, buồn nôn…nên được đưa đến cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện lúc 18h50 ngày 27/2.
Các bác sĩ trong khoa đã tích cực cứu chữa, nhưng đến 15h ngày 28/2, bà V.T.A đã ngưng tuần hoàn hô hấp nghi bị ngộ độc do ăn một loại ốc biển (tử vong chiều 28/2). Riêng 2 người con của bà sau điều trị tích cực sức khỏe đã tạm ổn và cho xuất viện vào sáng 29/2.
Khi đưa 3 mẹ con đến cấp cứu, gia đình có mang theo những con ốc đã ăn trước đó. Theo nhận xét ban đầu, đây là loại ốc bùn bóng (hay còn gọi là ốc răng cưa).
Bác sĩ điều trị cho biết dòng ốc này thịt ốc có đốm. Còn theo người nhà, người mẹ ăn ít nhưng ăn cả ruột nên độc hơn. Còn người con ăn nhiều nhưng chỉ ăn đầu nên ít bị.
Theo nhiều tài liệu, ốc bùn bóng có tên khoa học là Nassarius glans và có hình dáng giống với ốc hương đen. Ốc bùn bóng thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Ốc bùn bóng có chứa độc tố Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh cực mạnh. Loại độc tố này thậm chí vẫn tồn tại và gây độc kể cả khi thức ăn đã được chế biến.
Được biết, độc tố Tetrodotoxin không phải do ốc bùn bóng sản sinh ra mà do một số loài vi khuẩn cộng sinh sinh ra.
Nạn nhân ăn phải ốc bùn bóng sẽ có triệu chứng ngộ độc như tê, rát bỏng ở môi, buồn nôn, khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong chỉ sau 30 phút - 8 tiếng.
Bé trai nát bàn tay khi chơi game trên điện thoại
Cháu C đang điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Tiền phong |
Ngày 29/2, bác sĩ Nguyễn Trọng Huỳnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một bé trai 12 tuổi bị chấn thương dập nát bàn tay vì điện thoại phát nổ.
Nạn nhân của vụ việc là cháu Trần Minh C. (12 tuổi, trú tại xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar).
Trước đó, vào khoảng 13h ngày 28/2, thấy điện thoại của mẹ gần hết pin nên C. đã đưa đi cắm sạc.
Trong lúc đang sạc, C. cầm điện thoại để chơi trò chơi. Được khoảng 10 phút thì điện thoại nóng dần lên rồi phát nổ. Ngay sau đó, cháu được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ông Trần S. (bố của cháu C.) kể, chiếc điện thoại bị nổ nói trên được vợ ông mua và sử dụng từ lâu. Trước đó, đã vài lần C. vừa sạc điện thoại vừa sử dụng mà không sao, nên chủ quan.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành băng bó vết thương, tiến hành xét nghiệm và mổ cấp cứu cắt lọc vết thương tiến hành phẫu thuật. Các bác sĩ tiếp tục đánh giá vết thương, tư vấn cho người nhà chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi nhiễm trùng sau mổ và nguy cơ hoại tử các ngón 1, 2, 3.
“Hiện, cháu C. không có dấu hiệu sốt, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng, vết thương ít rỉ dịch và các ngón 1, 2, 3 còn hồng. Chúng tôi còn phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần nữa. Tuy nhiên, việc lấy lại chức năng vận động của bàn tay trái cho bệnh nhân rất khó khăn, cần có sự phối hợp của cả bệnh nhân và người nhà”, Bác sĩ Huỳnh cho hay.
Lấy viên pin đang oxy hoá ra khỏi dạ dày bé gái 16 tháng tuổi
Viên pin được tìm thấy trong dạ dày bé gái 16 tháng tuổi - Ảnh: Tiền phong |
Bệnh nhân là bé P.M.D trú tại Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam). Mẹ bé cho biết, ngày 27/2 trong lúc chơi bé vô tình nuốt phải viên pin của điều khiển máy quạt nhưng gia đình không phát hiện. Đến trưa hôm sau thấy cháu bất thường nên gia đình vội đưa bé tới bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam kiểm tra.
Tiến hành chụp X-Quang, bác sĩ phát hiện một dị vật nằm sâu trong dạ dày bé gái. Các bác sĩ quyết định nội soi tiêu hóa khẩn, gắp dị vật ngay trong trưa cùng ngày. Viên pin được gắp ra có kích thước 22mm đang có dấu hiệu oxy hóa.
Bác sĩ Trương Quang Huy - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, người thực hiện ca nội soi cho cháu bé cho biết, nếu không kịp thời phát hiện và gắp viên pin ra ngoài, nguy cơ dạ dày bé D. sẽ bị loét, trầm trọng hơn có thể dẫn đến thủng hoặc xuất huyết đường tiêu hóa.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần đặc biệt chú ý và hạn chế cho trẻ chơi các thiết bị có pin. Trường hợp khi phát hiện trẻ nuốt phải pin, cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức. Tuyệt đối không được gây nôn vì không hiệu quả mà có thể làm nặng thêm tình trạng ngộ độc.
Quỳnh Chi(T/h)