Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 12/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nặn ra 4 con giòi sống trên cơ thể con trai vì tưởng
Đầu tháng 10 vừa qua, một người mẹ đã bị sốc nặng sau khi nặn 4 con giòi sống ra khỏi cơ thể con trai mình vì bị nhiễm khuẩn bởi giống ruồi Tumbu. Quá ám ảnh, cô đã chia sẻ lại toàn bộ cảm xúc của mình trên trang mạng xã hội Facebook nhằm chia sẻ và nhắc nhở mọi người phòng tránh loại ký sinh trùng nguy hiểm này.
“Tôi thấy trên chân của con trai có 4 lỗ nhỏ ở đầu, ngực, chân và ngón tay. Chúng nhỏ đến mức tôi chỉ nghĩ đó là nốt mụn, cùng lắm là nhiễm trùng nhẹ và sẽ nhanh biến mất thôi. Tuy nhiên sau vài ngày, những chiếc lỗ không những không biến mất mà còn to ra. Tôi thậm chí còn nhìn thấy cái gì đó giống dịch mủ xuất hiện và quyết định nặn. Trời ạ, mỗi chiếc lỗ đều có một con giòi sống trong đó!
Ngay lập tức, tôi đã gọi cho chồng và bác sĩ để chia sẻ về tình trạng này. Lúc đó là 6h tối và nên chúng tôi không thể đến bệnh viện được. Có tất cả 4 con giòi ở đó. Sau khi nặn hết, tôi đã làm sạch vết thương bằng nước khử trùng”, toàn bộ dòng chia sẻ của người mẹ trên Facebook.
Cận cảnh con giòi được nặn ra từ chân cậu bé. |
Trước khi vết thương được nặn ra, cậu bé liên tục kêu đau nhưng chỉ được uống giảm đau tuy nhiên, nó không giúp ích gì được nhiều. Thậm chí, các giáo viên trên trường cũng gọi điện về gia đình và phản ánh về tình trạng này.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra giòi sống trên da là do ký sinh trùng sống trên một loại ruồi có tên là ruồi Tumbu (tên gọi khác là ruồi Putzi, ruồi xoài, hoặc giòi da) mang lại. Đây là loại ruồi được tìm thấy ở châu Phi. Rất nhiều du khách đến nơi này đã bị nhiễm ký sinh trùng do tiếp xúc với chúng. Tình trạng này có thể xảy ra cả ở cơ thể người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Theo tạp chí Y học New England (NEJM), ruồi cái Tumbu thường đẻ trứng trên quần áo hoặc nền đất ẩm ướt. Khi ấu trùng tiếp xúc với da người, chúng sẽ chui vào dưới mô da trên lưng, chân tay và mông của chúng ta.
Nam thanh niên bị sốc nặng vì ong vò vẽ đốt
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc nặng, hôn mê, không đo được huyết áp vì bị ong vò vẽ đốt gần 20 nốt khắp nơi trên cơ thể.
Theo người nhà kể lại, anh Giáp Văn Đức (sinh năm 1987, ở thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đi lấy tổ ong nhưng chủ quan không mặc bảo hộ nên bị ong tấn công phải đưa đi cấp cứu bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang để truyền dịch, lọc máu, thải độc… Hiện, bệnh nhân đã hồi tỉnh, huyết áp ổn định, nhận thức tốt và đi lại được. Bệnh nhân vẫn tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa.
Theo các bác sĩ thời điểm này đang là mùa ong sinh sản, nhiều bệnh nhân không cẩn thận đã bị ong đốt dẫn đến phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều ca nhập viện muộn nên cơ thể nhiễm độc nặng, làm khó khăn trong điều trị. Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu như vậy do ong đốt.
Anh Đức điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang. |
Một bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nên bị biến chứng suy đa tạng. Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ phải xây dựng phác đồ điều trị tích cực, tiêm thuốc lợi tiểu, lọc máu…
Các bác sĩ đúc kết là hầu hết bệnh nhân bị ong đốt không biết cách sơ cứu hoặc không đến cơ sở y tế trong 6 giờ đầu sau khi xảy ra sự cố. Bởi đó là khoảng thời gian “vàng” điều trị ong đốt. Nếu quá thời gian đó, nọc độc của ong vò vẽ sẽ lan ra cơ thể, rất nguy hiểm đến tính mạng, chỉ 10 nốt đốt đã rất nặng nề, làm bệnh nhân đau đớn, choáng, khát, tiểu ít dần, tổn thương cơ, suy thận, tan máu, rối loan động máu và tiểu cầu, tổn thương nội tạng.
Chính vì vậy, khi bị ong đốt, các bác sĩ khuyến cáo, việc quan trọng nhất là cho nạn nhân uống thật nhiều nước để thải độc sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thải độc, truyền nước. Vì bù nước và truyền dịch là biện pháp hữu hiệu nhất để nọc độc được đào thải qua đường tiểu. Nếu chậm trễ (bệnh nhân được cấp cứu sau 12 tiếng bị ong đốt) nạn nhân có thể bị khó thở, sốc do dị ứng (mạch nhanh, yếu, tụt huyết áp), vỡ hồng cầu, tiêu cơ vân, suy thận khiến việc điều trị có thể kéo dài cả tháng, thay vì một vài ngày nếu sơ cứu đúng cách và điều trị sớm.
Không dám ra đường vì khối u 2 kg trên mặt
Bệnh nhân là chị T.T.H (51 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) bị bệnh bướu sợi thần kinh vùng đầu mặt từ nhỏ. Cách đây 5 năm, chị đã từng được phẫu thuật nhưng bệnh lại tái phát.
Mới đây, chị nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Khi nhập viện bệnh nhân mang một khối u lớn vùng trán nặng gần 1kg, che gần hết vùng mắt và một khối u nặng gần 0,8kg bên má trái, chảy dài xuống gần cổ. Ngoài 2 khối u này, bệnh nhân còn nhiều u nhỏ khắp cơ thể.
Mắt trái của bệnh nhân cũng không thể nhìn thấy do chèn ép của u thần kinh, mắt phải bình thường nhưng đi lại và nhìn khó do khối u trên trán đè nặng vùng đầu, che tầm nhìn.
Kết quả chụp CTscan cho thấy có nhiều khối u dưới da khắp vùng đầu mặt cổ, khối u vùng trán hoại tử bên trong, khối u vùng má cổ lan sâu vào sàn miệng, góc mắt, nhiều hạch dọc khoang cảnh phải, nhãn cầu trái biến dạng.
Bệnh nhân đã ổn định và đang chờ xuất viện. |
Tại cuộc hội chẩn diễn ra với nhiều chuyên khoa như ngoại thần kinh, mắt, tai mũi họng, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh… các bác sĩ quyết định nút các mạch máu nuôi khối u để chuẩn bị phẫu thuật.
Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân 2 lần, lấy hai khối bướu lớn nặng tổng cộng 1,7 kg. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang chờ xuất viện. Đây được xem là ca bướu sợi thần kinh có kích thước lớn, phức tạp lần đầu tiên được điều trị thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và phía Nam nói chung.
“Đây là ca mổ vô cùng khó khăn do có quá nhiều mạch máu lớn, mặc dù động mạch chính cung cấp máu cho u đã được tắc một phần nhưng vẫn còn rất nhiều động mạch nhỏ, tĩnh mạch, xoang mạch lớn nên chảy rất nhiều máu. Trong khi đó, mô bướu mủn nát khiến cho việc cầm máu rất khó. Kíp mổ đã phải rất thận trọng, nhẹ nhàng, dùng chỉ nhỏ, kim nhỏ không sang chấn mới cầm máu và phẫu thuật được”, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Theo bác sĩ, u sợi thần kinh là một dạng bệnh do di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể hoặc do sự rối loạn nhiễm sắc thể của hệ thống thần kinh… 50% số bệnh nhân u sợi thần kinh có tiền sử gia đình từ bố hoặc mẹ, số còn lại là do đột biến các nhiễm sắc thể và vẫn có thể di truyền tiếp cho thế hệ sau.
U sợi thần kinh nếu không được phẫu thuật sẽ phát triển theo thời gian, gây tổn thương thần kinh và có thể chuyển thành ung thư.
Hai bệnh viện phối hợp cứu sản phụ nguy kịch do thuyên tắc ối
Ngày 4/10, thai phụ H.T.T.D (30 tuổi, ngụ Long An) đến Bệnh viện Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) với chẩn đoán nhập viện con so, song thai 36 tuần 6 ngày thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đầu-mông, chưa chuyển dạ, đái tháo đường A1.
Thai phụ nhập Sản 4 theo dõi chỉ định mổ sinh 9/10 vì con so, thai 37 tuần, song thai (đầu-mông), IVF, con quý, 2 nhau 2 ối, đái tháo đường.
Sản phụ được thực hiện mổ sinh vào lúc 8h45 ngày 9/10. Sau khi mổ ngang đoạn dưới tử cung bắt bằng đầu bé gái 2800 gram lúc 8h50, các bác sĩ bấm ối lấy bằng chân bé trai 2700 gram (8h51). Trong mổ, nước ối trắng đục, nhau không bong, bóc nhau.
Khi đang sổ nhau thì sản phụ co giật, tím tái,khó thở, ngưng tim. Bệnh viện Hùng Vương ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ toàn viện và liên viện.
“Trước tình huống tối khẩn, chúng tôi tích cực hồi sức tim phổi, đồng thời gọi điện khởi động hệ thống báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy. Tình hình càng khó khăn hơn khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu và suy đa cơ quan. Phải gần một giờ đồng hồ kiểm tra cầm máu, chúng tôi mới giúp người bệnh qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân được thắt động mạch tử cung may mũi B-Lynch cải tiến va đặt ống dẫn lưu và đóng bụng trước khi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị”, BS Nguyễn Đăng Quang, Trưởng khoa Cấp cứu, trưởng kíp trực cho biết.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sản phụ xuất hiện tình trạng chảy máu màu nâu sậm qua ống dẫn lưu khoảng 1 lít sau mổ lần đầu 3 giờ đồng hồ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân vẫn còn bị rối loạn đông máu và suy đa cơ quan do thuyên tắc ối.
Bác sĩ Quang đã sang Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn nghi chẩn đoán chảy máu do rối loạn đông máu không liên quan chảy máu do phẫu thuật, nên quyết định theo dõi tiếp, không phẫu thuật lại.
Đến chiều 11/10, mạch và huyết áp của sản phụ đã ổn định. Sức khỏe của 2 bé hoàn toàn bình thường, cả hai đang được chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương.
BS.CKII Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, đây là trường hợp thuyên tắc ối được cứu sống cả mẹ lẫn con nhờ sự khẩn trương của hệ thống báo động đỏ nội viện và ngoại viện.
Thuyên tắc ối là một biến chứng vô cùng nguy hiểm trong sản khoa do nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp. Với bệnh này, bệnh nhân sẽ bị đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu. Tỷ lệ tử vong của thuyên tắc phối là rất cao. Riêng đối với trường hợp trên, khả năng gặp nguy hiểm còn cao hơn khi sản phụ mắc đái tháo đường.
Thu Hằng(T/h)