Sở Y tế TP.HCM nói về thông tin đau mắt đỏ lây qua nước uống
Theo VietNamNet, chiều 11/9, Sở Y tế TP.HCM làm rõ một số thông tin liên quan đến bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang lưu hành trên địa bàn. Cụ thể, thông báo từ Sở Y tế TP.HCM nêu rõ, các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân virus gây ra (virus adeno, virus entero, coxsackie…).
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin cho rằng bệnh đau mắt đỏ lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.
Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM cho biết người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định khi có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (như đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng) và phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM cho thấy hiện nay, thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh levofloxacin có hơn 270.000 lọ; ofloxacin còn 15.000 lọ và sẽ nhập về thêm 900.000 lọ; tobramycin còn 20.000 lọ và sẽ nhập về thêm 280.000 lọ,…
Do đó, cơ quan này khẳng định nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường hiện nay rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Ngành y tế TP.HCM đặc biệt cảnh báo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian mắc bệnh và lây lan, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, virus entero gây ra đau mắt đỏ có thể dẫn tới bệnh cảnh nặng và cấp tính, khác với tác nhân virus adeno có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính. Virus entero từng gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 1973, virus entero type 70 đã gây đại dịch tại một số nước châu Phi, châu Á và nước Anh trong giai đoạn 1969-1971. Gần đây, năm 2014, nhóm virus này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.
Hà Nội ghi nhận thêm một ca tử vong do sốt xuất huyết
Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, nữ bệnh nhân 20 tuổi ở huyện Quốc Oai mắc bệnh ngày 28/8 với triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người và tự mua thuốc uống tại nhà.
3 ngày sau đó, gia đình mời nhân viên y tế tư nhân đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân có đỡ sốt nhưng người còn mệt. Kết quả xét nghiệm tại Văn phòng Medlatec phố huyện - thị trấn Quốc Oai cho thấy, nữ bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue NS1.
Đến 5h ngày 3/9, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai. Đến 22h ngày 3/9, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, duy trì thuốc vận mạch nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân đã tử vong ngày 4/9. Đây là trường hợp thứ 3 được ghi nhận tử vong liên quan đến sốt xuất huyết trong năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận 2 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết, đó là nam bệnh nhân (19 tuổi, ở quận Hà Đông) và nữ bệnh nhân (45 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm).
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1-8/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.669 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó).
Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (119 ca), Thanh Trì (115 ca), Hà Đông (109 ca), Nam Từ Liêm (104 ca), Cầu Giấy (94 ca), Chương Mỹ (81 ca), Phú Xuyên (79 ca), Thanh Xuân (75 ca), Phúc Thọ (72 ca). Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 67 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện, thị xã.
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 520/579 xã, phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gấp 4 lần; còn số ca tử vong tương đương.
XEM THÊM: Vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B: Bộ Y tế yêu cầu rà soát quy trình tiêm chủng
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần tiếp tục có xu hướng gia tăng so với tuần trước. Thêm vào đó, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Nội soi gắp xương cá trong gan người đàn ông
Bác sĩ CKII Bùi Danh Ánh - khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh cơ sở 2 cho hay, bệnh nhân H.X.T (sinh năm 1970, trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) vào viện với triệu chứng sốt cao, rét run, đau bụng hạ sườn.
Thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm, chụp CT ổ bụng cho kết luận, ông T. bị áp-xe gan, dị vật ổ bụng găm vào ổ áp-xe. Ông T. có triệu chứng đau hạ sườn khoảng 12 ngày qua, kèm theo sốt ớn lạnh. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi dẫn lưu ổ áp-xe, lấy dị vật.
Sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã dẫn lưu ổ áp-xe gan, lấy ra 1 xương cá dài 4cm. Xương không đâm vào các mạch máu lớn. Sau mổ, ông T. diễn biến ổn định, hết đau, không sốt.
“Đây là trường hợp hy hữu khi bệnh nhân nuốt phải xương cá nhưng không hay biết. Xương xuyên thủng dạ dày, đâm vào gan lâu ngày tạo thành ổ áp-xe gan. Bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, ổ áp-xe chưa vỡ nên cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi", VietNamNet dẫn lời bác sĩ Ánh.
Bác sĩ Ánh chia sẻ thêm: “Xương cá đâm thủng ruột hay dạ dày là các tình huống hay gặp. Tuy nhiên, trường hợp xương cá đâm lên gan trái và tạo ổ mủ áp-xe rất hiếm”.
Được biết, xương cá đã ở trong người bệnh nhân khoảng 20 ngày. Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo người dân khi ăn uống phải tập trung, cần nhai kỹ tránh bỏ sót xương, khi ngủ không ngậm tăm…
Nếu nghi ngờ nuốt phải xương hoặc dị vật, cần sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám tư vấn, gắp xương hoặc dị vật sớm đối với những xương lớn có nguy cơ chọc thủng cơ quan tiêu hóa, theo dõi sự di chuyển những xương nhỏ không sắc nhọn.
Đinh Kim(T/h)