Cứu người đàn ông hôn mê, ngừng tim sau khi bị điện giật
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa cứu sống nam bệnh nhân 59 tuổi, bị ngừng tuần hoàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Cụ thể, theo lời kể của người thân, khoảng 16h ngày 30/6, khi đang rửa xe, bệnh nhân bị điện giật.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) trong tình trạng hôn mê, ngừng tim. Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong khoảng 30 phút thì tim đập trở lại và được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Đến khoảng 20h48 cùng ngày, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê, có vết bỏng điện tại vị trí bàn tay trái kích thước 1x2cm, thở theo máy qua ống nội khí quản và huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, hồi sức tích cực bằng thở máy, duy trì thuốc vận mạch… Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi tỉnh, được rút ống nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường, sức khỏe tiến triển tốt, không có di chứng về thần kinh.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc khuyến cáo, đối với người bệnh ngừng tim, việc phát hiện sớm, cấp cứu ban đầu tại chỗ và tại cơ sở y tế tuyến dưới rất quan trọng, phải đúng quy trình kỹ thuật, sau đó cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tiếp tục cứu chữa. Đối với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ đạt hiệu quả cao trong 6 giờ đồng hồ kể từ khi bệnh nhân bị nạn.
Cấp cứu lấy huyết khối gây tắc mạch não cho người đàn ông
Theo VTC News, ThS.BS Trần Văn Kiên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu lấy huyết khối gây tắc mạch não thành công cho nam bệnh nhân (66 tuổi). Người này tự chữa tai biến tại nhà bằng cách lấy kim đâm vào các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ “máu độc”.
Cụ thể, 13h cùng ngày, người đàn ông được người nhà phát hiện đau đầu, nói ngọng, yếu 1/2 người bên trái. Gia đình tự xử trí bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay, tai. Tình trạng không cải thiện, gia đình mới đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Thực hiện các cận lâm sàng cần thiết cho hình ảnh, nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2. Các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và thống nhất phương án thực hiện can thiệp lấy huyết khối với mục tiêu tái thông mạch não. Ca can thiệp cấp cứu đã thành công.
Bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1. Sau can thiệp toàn trạng bệnh nhân ổn định và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và tiếp tục điều trị. Hiện bệnh nhân cải thiện cơ lực tay và chân trái.
Theo bác sĩ Kiên, bệnh nhân bị nhồi máu não cấp thuỳ đảo nhưng được đưa đến bệnh viện khá muộn, sau 5 tiếng xuất hiện triệu chứng yếu 1/2 người bên trái, nói ngọng, đau đầu. Rất may mắn bệnh nhân đã được can thiệp thành công.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện như trên cần đến bệnh viện để điều trị ngay, không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng tại nhà sẽ làm lỡ thời gian vàng của bệnh nhân.
Nội soi lấy xương lợn 3 cạnh mắc ở vùng cổ của cụ bà 78 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) vừa nội soi can thiệp thành công lấy dị vật xương lợn 3 cạnh cho cụ bà H. (78 tuổi, trú tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang) bị hóc ở thực quản.
Khai thác tiền sử, ba ngày trước khi nhập viện, bà cụ ăn cơm trưa với canh xương lợn. Tuy nhiên do bất cẩn khi ăn nên bệnh nhân đã nuốt một mảnh xương lợn lớn và hóc ngay ở vùng cổ, dù đã cố gắng khạc xương ra nhưng không hiệu quả.
Cụ bà nhập viện với tình trạng đau nhiều, nuốt khó, sưng đỏ vùng cổ. Sau khi thăm khám kết quả phát hiện dị vật cản quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị vật thực quản.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành đưa bệnh nhân lên phòng mổ gắp dị vật cấp cứu. Sau 10 phút nội soi can thiệp đã gắp thành công dị vật là miếng xương lợn có 3 cạnh sắc nhọn kích thước 3x2cm. Sau gắp dị vật, bệnh nhân không sốt, hết đau cổ, nuốt không đau, không vướng.
Theo TS.BS Phạm Mạnh Công - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, người trực tiếp thực hiện gắp dị vật cho bệnh nhân, hóc dị vật thực quản rất thường gặp, chủ yếu ở người cao tuổi và trẻ em, nếu phát hiện sớm, xử trí kịp thời sẽ không gây nguy hiểm nhưng cũng có không ít trường hợp đe dọa tới tính mạng bởi can thiệp quá trễ.
XEM THÊM: Sức khỏe bệnh nhân được ghép tim ở Huế hồi phục tích cực
Mắc các loại dị vật sắc, nhọn như xương cá, gà, heo… dễ gây viêm tấy, áp xe thực quản, áp xe trung thất do thủng thực quản, thậm chí có thể dẫn đến thủng động mạch chủ gây tử vong… nếu không được can thiệp kịp thời.
Vì thế, khi bị hóc dị vật người bệnh cần đến cơ sở y tế để lấy dị vật càng sớm càng tốt, tránh chữa bằng mẹo, hay cố nuốt chửng vào đường tiêu hóa có thể gây nguy hiểm.
Đinh Kim(T/h)