Người đàn ông cùng lúc được chữa khỏi ung thư và HIV
Ông Paul Edmonds ở bang California (Mỹ) trải qua cuộc phẫu thuật ghép tế bào gốc vào năm 2019. Kể từ thời điểm đó, các bác sĩ không phát hiện bệnh ung thư và HIV ở người đàn ông này.
Tiến trình phục hồi được đội ngũ y tế chăm sóc ông đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine. Các bác sĩ tuyên bố ông đã khỏi bệnh ung thư máu và chờ thêm hai năm nữa mới được tuyên bố khỏi bệnh HIV.
"Tôi rất biết ơn và không thể làm gì hơn để cảm ơn họ", ông Edmonds nói về các bác sĩ chăm sóc mình tại bệnh viện City of Hope ở California.
Được biết, ông Edmonds được chẩn đoán mắc HIV và AIDS vào năm 1988 và đã dùng thuốc kháng HIV từ năm 1997. Đến năm 2018, ông nhận chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML).
Đầu năm 2019, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho ông bằng liệu pháp tế bào gốc, với việc thay thế tế bào gốc bị tổn thương do hóa trị bằng những tế bào khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Trong trường hợp này, tế bào gốc được hiến tặng còn mang đột biến gene liên quan đến khả năng kháng HIV-1. Tế bào này có hai bản sao của một đột biến gene hiếm gặp mang tên CCR5 delta-3, giúp người sở hữu kháng virus HIV. Chỉ khoảng 1-2% người trên toàn cầu mang đột biến này, tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Science Alert cho hay.
HIV sử dụng thụ thể CCR5 để xâm nhập và tấn công hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, CCR5 đột biến lại khiến virus không thể xâm nhập theo cách này. Ca cấy ghép đã thay thế hoàn toàn tế bào tủy xương và tế bào gốc máu của ông Edmonds bằng tế bào của người hiến tặng. Sau ca phẫu thuật, ông không có dấu hiệu nào về AML hay HIV.
Người đàn ông dừng sử dụng thuốc kháng HIV từ tháng 3/2021 và kiểm tra HIV mỗi tuần một lần. Ở mỗi lần kiểm tra, các bác sĩ đều không phát hiện virus HIV.
Đến nay, ông Edmonds là một trong 5 người trên thế giới được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp ghép tế bào gốc. Bác sĩ Jana Dickter tại bệnh viện City of Hope hy vọng những bệnh nhân khác cũng có thể nhận kết quả "hai trong một" như trường hợp của ông Edmonds trong tương lai. Tìm ra phương pháp điều trị HIV đang là mục tiêu mà nhiều nhà khoa học trên thế giới hướng đến.
Cà Mau ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ
VTV Times đưa tin ngày 24/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ phản hồi trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ có địa chỉ tại TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã cử cán bộ phối hợp tiến hành điều tra xác minh.
Bệnh nhân C.V.B. có địa chỉ tại xã Định Bình (TP.Cà Mau). Ngày 19/2, bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng đau rát vùng quy đầu dương vật và xuất hiện vài mụn mủ nên đến khám điều trị phòng khám đa khoa tư nhân cho thuốc uống thuốc 3 ngày nhưng tình trạng không giảm.
Đến ngày 22/2, bệnh nhân xuất hiện những mụn mủ, bóng mủ đa kích thước, số lượng nhiều, rải rác ở mặt, cổ, cánh tay, bàn tay bàn chân, cẳng chân, bìu. Bệnh tình không giảm, xuất hiện bóng mủ vỡ rỉ dịch lan rộng ra bàn tay chân, cánh tay cẳng chân, mặt, cổ.
Chiều 22/2, bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ; chẩn đoán nghi ngờ đậu mùa khỉ, lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM. Ngày 28/2, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.
Qua điều tra, gia đình bệnh nhân có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em hiện đang ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh). Ngày 9/2, tại nhà có 7 người đến ăn uống. Trong gia đình có 4 người tiếp xúc gần (gồm cha, mẹ và 2 em).
Hiện, ngành Y tế đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn, điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần, lập danh sách, hướng dẫn họ tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng.
Can thiệp thành công cho bé sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp
Theo thông tin trên báo Giao Thông, Bệnh viện Bạch Mai đã can thiệp thành công cho một trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp ngay sau khi chào đời. Cụ thể, bé gái Đ.T.M chào đời ở tuần thứ 39 của thai kỳ, nặng 3,5kg tại Vĩnh Phúc vào sáng 20/2.
Với chẩn đoán dị tật hẹp khít động mạch phổi ngay từ khi ở tuần thai thứ 31, ngay sau khi ra đời, bé M. đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để được can thiệp lần 1 với kỹ thuật nong van động mạch phổi.
Ba ngày sau đó, bé được can thiệp lần 2 với kỹ thuật đặt stent ống động mạch. Đây là một kỹ thuật khó, tinh vi, nhất là với trẻ sơ sinh, bởi các mạch máu của bé sơ sinh cực kỳ mỏng manh.
Ths. BS Nguyễn Trung Kiên - Phó giám đốc Trung tâm Nhi Khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bé bị hẹp van động mạch phổi nặng, thiểu sản tâm thất phải nên phải can thiệp sớm ngay sau khi chào đời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Về những khó khăn trong ca phẫu thuật này, bác sĩ Kiên chia sẻ, ekip phải xử trí can thiệp 2 lần với cháu bé vì tâm thất phải của cháu thiểu sản, sau khi nong van động mạch cần để trẻ hồi phục và 3 ngày sau mới đặt stent để đảm bảo an toàn cao nhất.
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời cân nặng thấp, sức đề kháng yếu, thời gian làm can thiệp kéo dài 1-2 giờ với gây mê nội khí quản. Đặc biệt, bệnh nhi luôn trong tình trạng tím tái do thiếu oxy nên cần thao tác nhanh, dứt khoát để mở đường máu lên phổi nhanh nhất.
Sau 2 lần can thiệp, sáng 29/2, cháu Đ.T.M đã hồi phục, khỏe mạnh và được xuất viện trong niềm vui của gia đình, bố mẹ và ekip y bác sĩ điều trị.
Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa -Bệnh viện Bạch Mai, qua trường hợp bé Đ.T.M và nhiều trường hợp khác đã được cứu chữa thành công tại Trung tâm Nhi khoa cho thấy vai trò quan trọng của siêu âm tim thai.
Do đó, các bà mẹ ngoài việc siêu âm kiểm tra thai nhi theo lịch thông thường cũng nên siêu âm tim thai để sàng lọc tim bẩm sinh cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ để được chẩn đoán và có những xử trí kịp thời ngay khi trẻ ra đời.
Đinh Kim (T/h)