+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/2: Báo động đỏ toàn viện cứu bệnh nhân  bị phình vỡ động mạch chủ

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 28/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Báo động đỏ toàn viện cứu bệnh nhân bị phình vỡ động mạch chủ

    VTV Times đưa tin, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiến hành phẫu thuật cứu sống người bệnh 69 tuổi, bị phình vỡ động mạch chủ trên nền tiền sử tăng huyết áp.

    Người bệnh ở nhà có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, được người thân đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, hình ảnh CTScanner ổ bụng phát hiện phình vỡ động mạch chậu gốc phải, tiên lượng nặng. Ngay sau đó, tại khoa Cấp cứu, người bệnh đột ngột diễn biến nặng, lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, huyết áp tụt 95/60mmHg.

    Các bác sĩ khẩn trương hồi sức tích cực truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp và chuyển chụp cắt lớp vi tính toàn thân. Sau chụp, phát hiện người bệnh bị vỡ động mạch chủ chậu, lóc tách động mạch bụng dưới động mạch thận.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2822024 bao dong do toan vien cuu benh nhan bi phinh vo dong mach chu
    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: VTV Times

    Nhận thấy đây là một tình trạng rất nặng, người bệnh nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật kịp thời. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, ekip liên chuyên khoa đã khẩn trương khởi động báo động đỏ toàn viện. Song song vừa hồi sức tích cực, vừa chuyển phòng mổ phẫu thuật cấp cứu.

    Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ chậu. Ca phẫu thuật diễn ra dưới sự tham gia của các bác sĩ ngoại khoa hàng đầu của bệnh viện. Sau gần 5 giờ, các bác sĩ đã tiến hành xử trí, phẫu thuật thành công cho người bệnh.

    Sau ca phẫu thuật, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực Nội để theo dõi và điều trị. Nhờ việc phẫu thuật nhanh chóng, kịp thời và chăm sóc điều trị tích cực, sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện.

    Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, phình động mạch chủ là bệnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi, có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Khi khối phình bị vỡ, khả năng gây tử vong cho người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.

    Xử trí kịp thời cứu thai phụ 35 tuổi qua cơn nguy hiểm

    Theo thông tin trên VOV, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận thai phụ 35 tuổi được chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn).

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hốt hoảng, lo lắng, nhịp tim lên tới 190 lần/phút, huyết áp tụt còn 85/60 mmHg và được chẩn đoán cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.

    ThS.BS CKII Hà Thiêm Đông - Trưởng khoa Tim Mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết, với bệnh nhân thông thường hoàn toàn có thể sử dụng thuốc để chuyển nhịp tim nhưng để an toàn cho thai nhi, bác sĩ đã hạn chế tối đa dùng thuốc.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2822024 bao dong do toan vien cuu benh nhan bi phinh vo dong mach chu1
    Nhờ xử trí kịp thời, nhịp tim của bệnh nhân đã trở về ổn định. Ảnh: VOV

    Vì bệnh nhân lo lắng, hốt hoảng và có dấu hiệu sốc tim nên kíp trực quyết định chuyển nhịp bằng sốc điện đồng bộ 150J. Nhờ xử trí kịp thời, nhịp tim của bệnh nhân đã trở về ổn định.

    Bác sĩ Hà Thiêm Đông cho biết thêm, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất nếu không được xử trí kịp thời có thể gây rối loạn huyết động, làm mức độ suy tim tăng lên, suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngừng tim và có thể vỡ tim... 

    Khuyến cáo phụ nữ mang thai cần lưu ý kiểm tra tim mạch đặc biệt các bệnh lý liên quan đến nhịp và van tim để tránh trường hợp biến chứng tim mạch có thể xảy ra.

    Cúm gia cầm xuất hiện tại Nam Cực

    Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ The Guardian cho hay ngày 23/2, các nhà khoa học Argentina tìm thấy xác hai con chim cướp biển gần căn cứ Primavera - trạm nghiêm cứu khoa học của Argentina trên bán đảo Nam Cực. Họ đã gửi đến các nhà khoa học đến từ Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa (có trụ sở ở Madrid) đang làm việc tại Nam Cực.

    Các đợt bùng phát trước đây ở Nam Phi, Chile và Argentina cho thấy chim cánh cụt rất dễ bị nhiễm virus. Kể từ khi H5N1 xuất hiện ở Nam Mỹ, hơn 500.000 loài chim biển đã chết vì căn bệnh này, trong đó chim cánh cụt, bồ nông và chim ưng là những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

    "Nếu virus bắt đầu gây ra các trường hợp tử vong hàng loạt trên các đàn chim cánh cụt, nó có thể báo hiệu một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất thời hiện đại", nhà nghiên cứu viết trong một bài báo chưa xuất bản hồi tháng 11/2023.

    Theo dữ liệu từ Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực, các trường hợp nghi ngờ khác đã được báo cáo xuất hiện ở chim cướp biển nâu, chim cướp biển cực nam, mòng biển tảo bẹ ở vịnh Hope, cũng trên bán đảo Nam Cực.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2822024 bao dong do toan vien cuu benh nhan bi phinh vo dong mach chu2
    Cúm gia cầm đã lan đến khu vực gần Nam Cực vào tháng 10/2023. Ảnh minh họa: Alamy

    Một báo cáo của chính phủ Tây Ban Nha hôm 25/2 cho biết phát hiện này lần đầu tiên chứng minh rằng virus cúm gia cầm có độc lực cao đã đến Nam Cực, bất chấp khoảng cách và các rào cản tự nhiên ngăn cách nó với các lục địa khác.

    Đây là những trường hợp được xác nhận đầu tiên trên chính lục địa này, cho thấy virus đang lây lan trong khu vực, rất có thể là thông qua các loài chim di cư.

    Theo các nhà khoa học, hiện có nhiều báo cáo về bệnh cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI) ảnh hưởng đến một số loài ở khu vực Nam Cực trong mùa này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể chưa được phát hiện trên lục địa Nam Cực cho đến bây giờ vì việc tiếp cận và lấy mẫu động vật hoang dã ở đây khá khó khăn.

    Đợt bùng phát H5N1 này được cho là đã khiến hàng triệu loài chim hoang dã trên toàn cầu chết kể từ năm 2021 và đã lan sang mọi châu lục ngoại trừ châu Đại Dương.

    Cúm gia cầm đã lan đến khu vực gần Nam Cực vào tháng 10/2023, với các trường hợp được phát hiện ở Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich (cách lục địa Nam Cực khoảng 1.600 km) và Quần đảo Falkland (cách Nam Georgia 966 km).

    Virus này ban đầu được báo cáo ở các loài chim như mòng biển, chim cướp biển và nhạn biển, sau đó là chim hải âu, chim cánh cụt…, đồng thời đã lan sang các loài động vật có vú ở Nam Cực, với cái chết hàng loạt của hải cẩu voi và hải cẩu lông.

    Loại virus này cũng đang lây lan qua các quần thể động vật hoang dã ở Bắc Cực. Vào tháng 12/2023, con gấu Bắc Cực đầu tiên đã chết vì H5N1.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-28-2-2024-bao-dong-do-toan-vien-cuu-benh-nhan-bi-phinh-vo-dong-mach-chu-a612072.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan