+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 28/11/2024:"Cân não" cứu thanh niên bị điện giật thoát “cửa tử”

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 28/11/2024 trên Đời sống & Pháp luật.

    "Cân não" cứu thanh niên bị điện giật thoát “cửa tử”

    Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, nam thanh niên L.H.D (26 tuổi, ở quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) gặp tai nạn khi đang sửa điện trên mái tôn. Sau khi bị điện giật, anh kêu cứu và ngã xuống mái tôn. Người dân xung quanh nhanh chóng ngắt nguồn điện và gọi cấp cứu.

    Khi Trung tâm Cấp cứu 115 đến hiện trường, ghi nhận bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở, và tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn, đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục 20 - 25 phút rồi chuyển đến Cấp Cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng.

    Tại phòng Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, ghi nhận bệnh nhân chưa có tuần hoàn trở lại, người bệnh được tiếp tục cấp cứu, ép tim, bóp bóng qua nội khí quản, đồng thời bác sĩ trực liên hệ khoa Hồi sức tích cực chống độc tiến hành khởi động quy trình báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO (chạy tim phổi nhân tạo).

    Bệnh nhân được chuyển vào khoa hồi sức tích cực, nơi một ekip gồm các bác sĩ từ khoa Hồi sức tích cực - chống độc, khoa Ngoại tim mạch và đơn vị phòng mổ thuộc khoa Gây mê hồi sức đã sẵn sàng kết nối V-A ECMO (ECMO tĩnh mạch - động mạch) trong vòng 10-15 phút.

    Sau 1 tháng điều trị, tình trạng người bệnh cải thiện tốt các chức năng và bệnh nhân được ra viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Sau 1 tháng điều trị, tình trạng người bệnh cải thiện tốt các chức năng và bệnh nhân được ra viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Theo bác sĩ CKII Bùi Văn Dung - Trưởng ekip thực hiện ECMO cho bệnh nhân, với sự quyết liệt khởi động nhanh quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO và chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện thời gian ngừng tim từ hiện trường đến thực hiện được kỹ thuật ECMO của bệnh nhân trong vòng 60 phút.

    Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân có biểu hiện tình trạng rất nặng: suy tuần hoàn cấp, suy hô hấp cấp, tổn thương thiếu oxy não sau ngừng tuần hoàn, hiện tượng thoát dịch ra khỏi lòng mạch nặng, tổn thương đa cơ quan.

    Sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tuần hoàn bệnh nhân cai được VA ECMO và tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực. 10 ngày sau điều trị, bệnh nhân cải thiện hô hấp cai thở máy và được rút nội khí quản.

    Theo bác sĩ CKII Hà Sơn Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng, đây là ca bệnh rất nặng, tưởng chừng như hết hy vọng ở giai đoạn 24 giờ đầu tiên nhưng với sự quyết tâm, các bác sĩ đã dùng tất cả biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành hồi sức tích cực chống độc, "chạy đua" với biến chứng của bệnh nhân từng giờ, từng phút, người bệnh được hồi sinh ngoạn mục từ “cõi chết”. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt các chức năng và bệnh nhân được ra viện.

    Đi viện sau khi rắc bột kháng sinh vào vết trầy xước

    Theo VTC News, sau tai nạn giao thông, nam thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội bị trầy xước nhẹ vùng cẳng chân, gối khoảng 5-6cm. Nghĩ đây chỉ là vết thương nhỏ, ngoài da, bệnh nhân chỉ sơ cứu qua loa và không chăm sóc vết thương đúng cách.

    Thay vì đến cơ sở y tế để kiểm tra và tư vấn, nam thanh niên lại nghe theo kinh nghiệm dân gian, dùng thuốc kháng sinh dạng bột rắc trực tiếp lên vết thương. Sau khoảng 2 tuần, vết thương không lành, quanh miệng bắt đầu xuất hiện tình nhiều tổn thương sẩn đỏ.

    Bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực, nam thanh niên vẫn chủ quan không tuân thủ, chọn cách tự điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh đường uống. 

    Sau 5 ngày, tình trạng bệnh không những không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn, vết thương chảy dịch mủ, đau đớn, hạn chế đi lại, sẩn đỏ và mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

    Đến khi không thể chịu đựng thêm, nam thanh niên mới quay lại bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, cần dùng kháng sinh mạnh kết hợp chăm sóc y tế tích cực tại viện để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

    Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ảnh: VTC News

    Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ảnh: VTC News

    Theo ThS.BS Phạm Thị Thu Hằng ở khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu Bệnh viện E, trường hợp người bệnh này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da là do sự xâm nhập của vi khuẩn qua vết thương hở.

    Việc vệ sinh không đúng cách như tự ý sử dụng thuốc rắc lên bề mặt vết thương làm ngăn quá trình tự tái tạo của cơ thể, ngoài ra có nguy cơ gây kích ứng da, tạo môi trường yếm khí giúp vi khuẩn phát triển thuận lợi hơn.

    Bác sĩ cảnh báo, việc chăm sóc vết thương đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da. Ngay khi bị trầy xước hoặc tổn thương, người bệnh cần rửa sạch vết thương, sử dụng các dung dịch sát khuẩn để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, rồi rửa vết thương hàng ngày với nước muối sinh lý, nên để vết thương thông thoáng tạo điều kiện cho quá tình lành da.

    Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như rắc bột thuốc kháng sinh, đắp lá cây hay bất kỳ nguyên liệu không được kiểm chứng khác lên vết thương. Những cách làm này không chỉ không đảm bảo vệ sinh mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ định có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

    Cô gái nhập viện vì một vết đốt nhỏ ở vùng “nhạy cảm”

    Báo Giao Thông dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 2 tuần xuất hiện triệu chứng sốt cao kéo dài, nữ bệnh nhân T.L.M (25 tuổi, ở Lai Châu) nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng, gần như không thể tự thở. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị mắc bệnh sốt mò.

    Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp tích cực như hỗ trợ thở máy, lọc máu để cải thiện tình trạng suy hô hấp cũng như chống lại các biến chứng. Nhờ sự can thiệp kịp thời tại cơ sở y tế tuyến dưới và các phương pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân đã có cơ hội phục hồi tốt…

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng, gần như không thể tự thở. Ảnh: Báo Giao Thông

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng, gần như không thể tự thở. Ảnh: Báo Giao Thông

    Theo Ths.Bs Hà Việt Huy ở khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân M. bị mò đốt ở vị trí nhạy cảm thuộc bộ phận sinh dục. Đây là vị trí khó phát hiện, đòi hỏi sự kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ của nhân viên y tế. Rất may các bác sĩ tuyến dưới đã phát hiện được nguyên nhân. 

    Việc tìm ra vết đốt trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp chẩn đoán đúng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị ban đầu. 

    Bác sĩ Hà Việt Huy cho biết thêm, sốt mò là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc họ Rickettsiacea gây ra, thường lây truyền qua vết đốt của loài mò Leptotrombidium. Đây là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng suy đa cơ quan và tử vong.

    Bác sĩ cũng cảnh báo, người sống hoặc làm việc tại các khu vực vùng núi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò. Vì vậy, người dân cần chú ý bảo vệ bản thân khỏi con mò bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống côn trùng và tránh tiếp xúc với các môi trường có nguy cơ cao. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, hoặc khó thở…, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-28-11-2024-can-nao-cuu-thanh-nien-bi-ien-giat-thoat-cua-tu-a484983.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan