Bé sơ sinh bị bỏ vào túi bóng đặt ở cửa khoa Cấp cứu
Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, chiều 23/11, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phát đi thông báo tìm người thân cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trước đó, lúc 14h50 ngày 22/11, khoa Sơ sinh của bệnh viện tiếp nhận một trẻ sơ sinh từ Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn chuyển đến.
Qua khai thác thông tin từ nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn được biết, trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn trong tình trạng tím tái toàn thân, không tự thở, tim mờ.
Ngay lập tức, trẻ được cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim, đặt ống nội khí quản 2 phút có tim được ủ ấm truyền glucose 5%, an thần bóp bóng nội khí quản, mạch 160 – 180l/phút, SP02 92% chuyển đến khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Tại đây, trẻ hạ thân nhiệt không đo được nhiệt độ, bóp bóng nội khí quản, trẻ đẻ rất non tuổi thai khoảng 31 tuần, cân nặng 1,3kg, không có người thân. Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán: Suy hô hấp bệnh màng trong độ IV/hạ thân nhiệt/nhiễm khuẩn sơ sinh/đẻ non 31 – 32 tuần.
Khoa Sơ sinh đã tiến hành cấp cứu và điều trị tích cực: Trẻ thở máy xâm nhập chỉ số cao, vận mạch, bơm surfactant 3 lần, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh 3 loại, phải nằm lồng ấp.
Hiện tại, sau 1 ngày điều trị, trẻ vẫn rất nguy kịch, thân nhiệt ổn định, trẻ thở máy xâm nhập chỉ số cao, duy trì vận mạch, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh, trẻ nằm lồng ấp.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông báo, ai là người thân của bé liên hệ với phòng Công tác xã hội của bệnh viện.
Canada xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ nhóm Ib
Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC) mới đây xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ (mpox) nhóm Ib ở nước này, theo thông tin trên báo Nhân Dân.
Trong một tuyên bố, PHAC cho biết bệnh nhân nói trên ở tỉnh Manitoba, gần đây đã đi đến vùng dịch ở miền Trung và Đông châu Phi, sau khi trở về xuất hiện triệu chứng nhiễm virus đậu mùa khỉ đã đến cơ sở y tế ở Canada để được chăm sóc y tế, cách ly.
"PHAC đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế công cộng tại Manitoba. Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia (NML) đã thông báo cho tỉnh vào ngày 22/11 rằng, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với nhánh đậu mùa khỉ nhóm Ib", cơ quan này thông tin.
Theo PHAC, một cuộc điều tra dịch tễ, bao gồm việc truy vết tiếp xúc của bệnh nhân đang được tiến hành.
Virus đậu mùa khỉ nhóm II đã xuất hiện ở Canada kể từ năm 2022, tuy nhiên đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm virus đậu mùa khỉ nhóm I ở nước này. PHAC nhấn mạnh rằng nguy cơ đối với người dân ở thời điểm này vẫn ở mức thấp.
Tháng 8/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ hai trong hai năm sau khi một biến thể mới của virus được gọi là nhánh Ib, lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo sang các nước láng giềng.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng do virus lây lan qua tiếp xúc gần và thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương chứa đầy mủ. Bệnh thường nhẹ nhưng vẫn có thể gây tử vong.
Cao Bằng ghi nhận trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 23/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) dương tính với bạch hầu.
Thông tin từ Sở Y tế Cao Bằng, bé G.M.H (SN 2013, ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm) có dấu hiệu bị ho, sốt từ ngày 14/11 vẫn đi học. Sau 1 tuần uống thuốc nhưng không khỏi, bệnh diễn biến nặng, đến ngày 21/11, gia đình đã đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện để khám và điều trị. Mặc dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bé gái đã tử vong cùng ngày.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm tiến hành phun khử khuẩn nơi sinh sống của gia đình bệnh nhân và trường học, cách ly các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong những ngày qua.
Chiều 23/11, sau khi tiếp nhận kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định bệnh nhân G.M.H dương tính với vi khuẩn C.diphtheriae – tác nhân gây bệnh bạch hầu, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập đoàn công tác phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trực tiếp đến giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.