+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 25/11/2024: Người đàn ông ngừng tim sau khi bị ong đốt

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2024 trên Đời sống & Pháp luật.

    Người đàn ông ngừng tim sau khi bị ong đốt

    VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt.

    Được biết, cách nhập viện 20 phút, bệnh nhân đi ra sau vườn thì bị ong đốt nhiều mũi vào đầu, lưng, tay chân. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhân choáng váng, cố gắng đi vào nhà nhưng bị ngất ngoài vườn.

    Sau đó, người nhà phát hiện đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long trong tình trạng hôn mê, da niêm tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

    Nhận định đây là một trường hợp ngưng tim, ngưng thở ngoại viện do sốc phản vệ sau ong đốt, các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngưng tuần hoàn - hô hấp tích cực, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin.

    Người đàn ông bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt. Ảnh minh họa

    Người đàn ông bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt. Ảnh minh họa

    Sau 5 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tiếp tục sử dụng phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế.

    Sau 6 giờ điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, mạch rõ, huyết áp ổn định dần. Sau 24 giờ, bệnh nhân trở về bình thường, huyết áp ổn định, nói chuyện, đi đứng bình thường và được chuyển ra khoa ngoài.

    Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sốc phản vệ là bệnh lý rất nguy hiểm và có khả năng đe doạ tính mạng. Việc chẩn đoán và xử trí cần rất khẩn trương và kịp thời. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào sau khi tiếp xúc thức ăn, côn trùng, thuốc, vaccine.... cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế để kịp thời xử trí.

    Nguyên nhân khiến bé gái bị méo miệng, mắt không nhắm kín

    Theo VTV Times, sau khi phát hiện bé gái 15 tháng tuổi trong tình trạng bị méo miệng, mắt không nhắm kín, gia đình ngay lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) để thăm khám.

    Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên phải - một tình trạng có thể gặp ở trẻ em và một trong những nguyên nhân gây ra thường do nhiễm lạnh, zona... Bé được chỉ định nhập viện điều trị bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

    Quá trình điều trị tại khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, các bác sĩ đã tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng từ các kỹ thuật viên để kích thích phục hồi chức năng. Cứu ngải huyệt đạo nhằm tăng lưu thông khí huyết. Chiếu đèn hồng ngoại, tạo cảm giác ấm áp và hỗ trợ tăng tuần hoàn cơ vùng mặt; cấy chỉ giúp tăng khả năng phục hồi của bệnh nhi.

    Hiện tại, bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục điều trị và hồi phục tốt dưới sự chăm sóc tận tâm từ đội ngũ y bác sĩ.

    Theo các bác sĩ điều trị, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên ở trẻ nhỏ thường là do bị lạnh. Để phòng ngừa, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt các vùng đầu, cổ, ngực, tay, chân; mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là trong mùa Đông rét đậm, rét hại; chú ý chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

    Phẫu thuật cho người bệnh 36 tuổi có khối u ở lưỡi

    Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có khối u ở lưỡi.

    Cụ thể, bệnh nhân N.V.H. (36 tuổi) được nhập viện trong tình trạng có khối u dưới lưỡi, khối u to dần nên gia đình và bệnh nhân rất lo lắng. Qua trao đổi với bệnh nhân và gia đình, bệnh nhân H. cho biết xuất hiện khối u cách đây 1 năm. Gần đây bệnh nhân thấy đau, vướng, khó chịu khi ăn uống, tự sờ thấy khối ở lưỡi to dần nên đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

    Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện có khối u lưỡi kích thước khoảng 4 × 2mm. Qua hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị khối u lưỡi có chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u lưỡi.

    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Kíp phẫu thuật do bác sĩ CKI Lê Khắc Kiên - Chuyên khoa Răng Hàm Mặt (phẫu thuật viên chính) cùng ekip đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân, theo tạp chí Gia Đình Việt Nam.

    Hiện tại sau mổ, bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa Ngoại - Mắt - RHM - TMH của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, sức khỏe ổn định, vết mổ tiến triển tốt có thể xuất viện trong những ngày tới. Khối u sẽ được gửi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh và sẽ được bác sĩ phẫu thuật tư vấn trực tiếp kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân.

    Theo bác sĩ Lê Khắc Kiên, hầu hết các u vùng miệng là u lành tính nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan vì rất có thể là khối u ác tính, nhất là những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tình trạng vệ sinh răng miệng kém.

    Triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi thường nghèo nàn nên hay bị bỏ qua, rất nhiều trường hợp khi bệnh nhân đến viện đã ở giai đoạn muộn, điều trị hết sức khó khăn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện các khối u hay bất kỳ những bất thường nào ở lưỡi nên đi tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-25-11-2024-nguoi-an-ong-ngung-tim-sau-khi-bi-ong-ot-a484042.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan