+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 21/11: Lọc máu 6 đợt cứu bé 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 21/11/2024 trên Đời sống & Pháp luật.

    Lọc máu 6 đợt cứu bé 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng

    VTV Times đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống một bệnh nhi 4 tuổi, bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa cơ quan.

    Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhi bị sốt cao liên tục, không đáp ứng hạ sốt, gia đình cho uống thuốc mua ở tiệm thuốc tây. Đến ngày thứ 3, bệnh nhi nôn, được đưa đi khám tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết điều trị ngoại trú.

    Khi về nhà, bệnh nhi tiếp tục sốt, nôn, tay chân lạnh nên tiếp tục được nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

    Tại đây, ghi nhận bệnh nhi mạch nhẹ chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg, da nổi bông, phục hồi màu da kéo dài 3-4 giây. Các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sử dụng vận mạch dưới hướng đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) và huyết áp động mạch xâm lấn.

    Bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa cơ quan. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa cơ quan. Ảnh: VTV Times

    Tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, sốc kéo dài, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, các bác sĩ lập tức tiến hành chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền máu, huyết tương động lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Diễn tiến lâm sàng bệnh nhi phức tạp, tổn thương gan thận nặng (men gan > 2000 đv/L, creatinine máu > 250 micromol/L), được lọc máu liên tục, điều trị hỗ trợ gan.

    Bệnh nhi có biểu hiện nhiễm trùng bệnh viện nên được tiếp tục điều trị hỗ trợ các cơ quan và sử dụng kháng sinh phổ rộng.

    Kết quả sau gần 3 tuần điều trị với 6 đợt lọc máu liên tục, hỗ trợ các cơ quan, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo.

    Qua trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình cần diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

    Vào viện vì loại củ quen thuộc nhưng chứa độc tính rất mạnh

    Báo Giao Thông dẫn thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ Trung tâm Chống độc vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân ở Nam Định bị ngộ độc ấu tàu (hay còn gọi là ấu tẩu). 

    Theo lời kể của bệnh nhân này, đây không phải lần đầu tiên ông sử dụng củ ấu tàu để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh xương khớp.  Từ ngày còn trẻ, ông đã thường xuyên ăn và uống nước củ ấu tàu để tăng sức chịu đòn, tránh đau khi tập võ. Đây là bài thuốc được bạn bè truyền tai cho nhau và rất khó để mua được.

    Người bệnh cũng chia sẻ cách sử dụng, mỗi lần chỉ sử dụng một lượng nhỏ, luộc kỹ, ăn củ và uống cả nước. Khi ăn, nếu có hiện tượng tê bì thì chạy hoặc nhờ người tác động lực vào mình để toát mồ hôi sẽ khỏi.

    Tuy nhiên, sau khi sử dụng lần này, có hiện tượng tê bì, bệnh nhân đã chạy nhiều vòng và nhờ người khác tác động vật lý, cũng như chủ động tạo nôn để đẩy phần đã sử dụng ra ngoài nhưng bệnh nhân không thấy đỡ. 

    Hiện tượng tê bì ngày càng nặng lên, thậm chí người cảm thấy choáng váng, ngất và có tình trạng vệ sinh tại chỗ. Người đàn ông này được truyền dịch tại tuyến huyện và chuyển thẳng vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

    Củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông

    Củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông

    Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được kiểm tra, xét nghiệm nước tiểu tìm thấy chất độc aconitin, cũng là chất độc có trong củ ấu tàu, và có dấu hiệu bị tổn thương cơ tim. Bệnh nhân may mắn được đưa đến Trung tâm Chống độc kịp thời, hiện sức khỏe đã ổn định, phục hồi tốt.

    "Củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh, độc tính aconitin thuốc độc bảng A, chỉ với một hàm lượng nhỏ có thể gây tử vong, liều chỉ 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2 - 3mg đủ để gây tử vong một người trưởng thành.

    Aconitin gây độc trên tim, thần kinh và tiêu hóa. Ngộ độc aconitin xuất hiện rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút/vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tàu", ThS.BS Nguyễn Văn Chiến ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

    Sử dụng ruột non tái tạo thực quản cho người bệnh ung thư

    Thông tin trên tạp chí Tri Thức, TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết sau khi trải qua ca phẫu thuật, tình trạng của nam bệnh nhân N.M.T. (50 tuổi, ngụ Long An) đã ổn định.

    Trước đó, bệnh nhân nhập viện vì nuốt nghẹn. Người bệnh được được chẩn đoán là ung thư hạ hầu giai đoạn IVB. Bướu lan phía trên đến khẩu hầu, lan xuống dưới đến thực quản cổ, ra phía trước đến khí quản - sụn giáp, phía sau đến cân trước cột sống và di căn hạch cổ hai bên.

    Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt trọn hầu - thực quản cổ - thanh quản, sụn giáp, cơ trước giáp thành một khối và nạo hạch cổ hai bên.

    Sau đó, ekip lấy đoạn hỗng tràng (ruột non) cuống mạch máu đôi theo kỹ thuật đã được cập nhật từ Viện Ung thư Quốc tế Osaka (Nhật Bản). Ekip tạo hình - vi phẫu thực hiện khâu nối hai cuống mạch máu, rồi tái tạo hầu - thực quản cổ bằng vạt hỗng tràng tự do. Ca mổ diễn ra thành công.

    Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ người bệnh sau ca mổ. Ảnh: Tri Thức

    Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ người bệnh sau ca mổ. Ảnh: Tri Thức

    Sau mổ, bệnh được theo dõi sát mỗi 2-3 giờ trong vòng 72 giờ đầu tiên và mỗi 6 giờ trong 5 ngày sau đó. Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân được tiến hành tập vật lý trị liệu và thăm khám dinh dưỡng mỗi ngày. Sau 18 ngày điều trị, vết mổ lành tốt, bệnh nhân đã có thể uống nước.

    Qua kết quả chụp CT Scan có thuốc cản quang cho thấy ống tiêu hóa sau tái tạo hoạt động tốt, không có dấu hiệu xì rò đoạn hầu - thực quản đã được tái tạo. Dự kiến bệnh nhân sẽ chuyển khoa để được xạ - hóa trị nhằm phòng ngừa bệnh tái phát.

    Sáng 19/11, Ban Giám đốc Bệnh viện đã trao quyết định khen thưởng cho ekip thực hiện thành công trường hợp tái tạo hầu - thực quản bằng vạt hỗng tràng cuống đôi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-21-11-loc-mau-6-ot-cuu-be-4-tuoi-bi-soc-sot-xuat-huyet-nang-a482908.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan