+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 22/8/2024: Lý do bé gái bỗng ôm tai phải khóc thét khi đang ngủ

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 22/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Lý do bé gái bỗng ôm tai phải khóc thét khi đang ngủ

    Theo VnExpress, người nhà kể đêm 18/8, bé gái 10 tuổi đang ngủ thì bỗng nhiên ôm tai bên phải khóc thét lên, máu chảy nhiều. Bố mẹ dùng đèn soi vào bên trong tai bé kiểm tra, thấy "có gì đó" không rõ, đưa bé đến cơ sở y tế nhưng không xử lý được.

    Bé gái được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, bác sĩ nội soi phát hiện một con bọ cánh cứng to bằng đầu đũa đang cử động ở trong tai phải. Kíp trực dùng thủ thuật làm chết con bọ rồi lấy ra ngoài.

    Con bọ màu đen, kích thước 0,5-1 cm. Bác sĩ cho rằng nhiều khả năng con vật chui vào tai khi bé đang ngủ, rồi ngọ nguậy gây chảy máu, đau đớn.

    Con bọ cánh cứng màu đen được lấy ra khỏi tai bé gái. Ảnh: VnExpress

    Con bọ cánh cứng màu đen được lấy ra khỏi tai bé gái. Ảnh: VnExpress

    Theo bác sĩ, côn trùng chui vào tai là tai nạn thường gặp, đều khó xử lý và gắp nó ra. Nếu con vật còn sống, tác động từ bên ngoài vào không đúng cách sẽ khiến nó hoảng sợ chạy vào sâu hơn trong tai, nguy cơ gây thủng màng nhĩ và giảm thị lực. Những trường hợp này đều cần đến bệnh viện để xử lý kịp thời và đúng cách.

    Cứu người đàn ông 58 tuổi nhập viện vì khó thở dữ dội

    Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho hay vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.C.L. (58 tuổi) đến viện vì khó thở dữ dội. Tại khoa Cấp cứu, ông L. đột ngột ngưng tim. Các bác sĩ tiến hành ép tim ngay lập tức, sau đó sốc điện phá rung tim nhiều lần để tim đập trở lại.

    Nhận thấy đây là tình trạnh nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp với khả năng sống rất thấp, các bác sĩ vừa hội chẩn, vừa hồi sức cho bệnh nhân. Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tim phổi, chuyển đến phòng DSA can thiệp mạch vành cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân lại ngưng tim nhiều lần. Trong tình thế khẩn trương, các bác sĩ chia thành 2 ekip can thiệp cho bệnh nhân, một kíp vừa ép tim vừa sốc điện phá rung tim, kíp còn lại chọc mạch máu và chụp mạch vành.

    Kết quả xác định bệnh nhân bị tắc đoạn gần động mạch vành phải, các bác sĩ xử lý huyết khối gây nghẽn lòng mạch, đặt máy tạo nhịp tim và nhanh chóng đặt một stent giá đỡ mạch vành để tái thông dòng chảy. Bác sĩ CKII Lê Duy Lạc - Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, cho biết hai ekip với 10 y bác sĩ tập trung cao độ để cứu bệnh nhân. Qua hơn 30 phút, bệnh nhân được tái thông dòng chảy mạch vành và tim đập trở lại.

    Ekip y bác sĩ vừa ép tim, vừa đặt stent tái thông dòng máu cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Tri Thức

    Ekip y bác sĩ vừa ép tim, vừa đặt stent tái thông dòng máu cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Tri Thức

    Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tim mạch để điều trị chuyên sâu bằng máy thở, hồi sức suy thận, suy gan và nội khoa khác. Sau 2 ngày hồi sức, bệnh nhân dần tỉnh táo và tự thở được, chức năng gan thận dần hồi phục và đã được rút nội khí quản thở khí trời tự nhiên.

    Theo bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Nhân - thành viên ekip can thiệp, điều quan trọng là bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, y bác sĩ đã nhận diện tình hình người bệnh, thực hiện cấp cứu hồi sức tim phổi hiệu quả ngay từ lúc ngừng tim nên không để lại di chứng tổn thương não.

    Với những trường hợp ngừng tim do nhồi máu cơ tim, thời gian là "kim cương", phải tận dụng tối đa mới có cơ hội đưa bệnh nhân "từ cõi chết trở về".

    Dùng thuốc gia truyền để trị tiểu đường, ngừng tim 2 lần trong một giờ

    Theo VTC News, anh N.V.T (43 tuổi, sống tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc dạng tiêm. Thay vì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, anh lại sử dụng loại thuốc gia truyền mua qua mạng do tin vào lời quảng cáo không rõ nguồn gốc.

    Tối 8/8, anh đau bụng, nôn ói, nhưng cố chịu đựng qua đêm. Sáng 9/8, cơn đau dữ dội, gia đình đưa anh đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Vũng Tàu.

    Tại đây, khi bác sĩ đang xét nghiệm máu, anh đột ngột ngừng tim. Đội ngũ y tế lập tức hồi sức tim phổi, may mắn cứu được bệnh nhân. Tuy nhiên, khi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tim anh lại ngừng đập lần nữa.

    Trước tình trạng nguy kịch trên, các bác sĩ thực hiện nhiều biện pháp cấp cứu để giành sự sống cho bệnh nhân. Anh được lọc máu, thở máy, và thuốc hỗ trợ tim mạch. 

    Thời điểm người bệnh hôn mê và được các bác sĩ tiến hành kỹ thuật lọc máu. Ảnh: VTC News

    Thời điểm người bệnh hôn mê và được các bác sĩ tiến hành kỹ thuật lọc máu. Ảnh: VTC News

    Bác sĩ Văn Viết Thắng ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, kết quả xét nghiệm và kiểm tra loại thuốc mà bệnh nhân uống nghi ngờ có thành phần phenformin. Đây là chất bị cấm sử dụng trên toàn thế giới.

    Phenformin từng được sử dụng để điều trị tiểu đường nhưng bị cấm do nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là toan lactic, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

    Ths.Bs Vũ Thị Phương Nga - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Vũng Tàu đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về việc sử dụng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Khi những loại thuốc này vào cơ thể, chúng sẽ được gan và thận đào thải. Nếu thuốc chứa các thành phần độc hại, chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan và thận, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

    Vị chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Người dân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tin vào các quảng cáo không có cơ sở, để tránh những hậu quả đáng tiếc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-22-8-2024-ly-do-be-gai-bong-om-tai-phai-khoc-thet-khi-ang-ngu-a458404.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan