Đi khám vì đau bụng, phát hiện điều gây “sốc”
Theo báo Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Đình Tùng - Phó khoa Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị sán lá gan chui vào ống mật chủ.
Cụ thể, bệnh nhân là chị H.N.X. (29 tuổi, ngụ tại Tây Ninh). Theo bệnh sử, nhiều ngày trước khi nhập viện, chị X. có biểu hiện bị đau bụng. Cơn đau tập trung ở vùng hạ sườn phải, diễn tiến ngày càng nặng với từng cơn quặn thắt.
Qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị giãn đường mật ngoài gan, có nốt tăng tỷ trọng nhẹ ở đoạn cuối ống mật chủ. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng kiểm tra.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Trong quá trình nội soi mật tụy ngược dòng, quan sát dưới màn hình C-Arm nhận thấy ống mật chủ của bệnh nhân giãn khoảng 10mm, đoạn cuối có bóng nhỏ không ngấm thuốc.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt nhú vater, dùng bóng kéo ra được con sán lá gan kích thước khoảng 20mm ra khỏi cơ thể người bệnh. Mẫu sán được xét nghiệm định danh là sán lá gan lớn”.
Sau thủ thuật, bệnh nhân được tiếp tục điều trị chống nhiễm trùng và sử dụng thuốc đặc hiệu diệt sán lá gan. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định sức khoẻ.
Nhập viện sau khi uống nước củ ráy trị ung thư theo lời mách
VTV Times đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, bị kích ứng sau uống nước củ ráy.
Cụ thể, theo bác sĩ CKI Hà Huy Mến - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và đang dùng thuốc theo đơn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Do người khác mách bảo uống nước củ ráy có tác dụng chữa ung thư nên bệnh nhân làm theo.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có triệu đau vùng miệng, họng; khó nuốt; khó phát âm; cảm giác khó thở; niêm mạc miệng, họng phù nề đỏ; các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Nguyên nhân do trong củ ráy có chứa tinh thể canxi oxalat, chất này gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi…
Rất may bệnh nhân bị kích ứng nhẹ nên sau 3 ngày điều trị đã khỏi bệnh ra viện. Một số trường hợp nặng có thể gây phù nề thanh quản, ngừng hô hấp và tử vong.
Ở một số nước Châu Á, củ ráy được sử dụng để chữa một số bệnh như: trĩ, viêm khớp dạng thấp, đau răng… Tuy nhiên, ở nước ta, củ ráy ít khi được các bác sĩ y học cổ truyền dùng làm thuốc vì trong tự nhiên có nhiều vị thuốc thay thế an toàn và hiệu quả cao hơn.
Đối với bệnh nhân ung thư, nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa ung bướu, không tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chưa được khoa học chứng minh để tránh gặp phải những biến chứng không đáng có.
Sốt cao mãi không hạ, người đàn ông phát hiện bị bệnh Whitmore
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đình Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, sau thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân nam bị bệnh Whitmore ổn định, đang tiếp tục được theo dõi.
Trước đó, ngày 22/10, anh N.N.T. (SN 1982, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhập viện tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 với triệu chứng sốt cao, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Bệnh nhân T. được dùng kháng sinh hạ sốt, làm các xét nghiệm nhưng vẫn không hạ sốt. Bác sĩ chỉ định chụp MRI khớp háng trái, phát hiện bệnh nhân bị viêm khớp háng trái không rõ nguyên nhân.
Sau khi chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình ngày 30/10, anh T. được làm xét nghiệm máu, kết quả (ngày 1/11) cho thấy dương tính với Burkholderi pseudomallei (Whitmore).
Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho biết, Whitmore có nhiều thể, từng thể có các phác đồ điều trị cụ thể. Bệnh nhân T. bị thể viêm xương tủy xương, khá đặc biệt vì ít gặp.
"Từ khi vào viện, anh T. được theo dõi và làm các xét nghiệm liên quan. Bệnh nhân điều trị theo phác đồ Whitmore giảm sốt và giảm đau khớp háng, qua một tuần đã hạ sốt, hết đau. Sau khi kết thúc điều trị tại bệnh viện, về nhà bệnh nhân vẫn sẽ điều trị bằng thuốc uống trong 6 tháng", bác sĩ Nguyễn Đình Khoa nói.
Liên quan đến ca bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bệnh khởi phát trước ngày nhập viện điều trị 7 ngày với dấu hiệu sốt.
Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, được cấp thuốc uống điều trị nhưng tình trạng không đỡ. Sau đó, người nhà lo lắng nên đưa đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Trong vòng 14 ngày trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại địa phương, không đi đâu xa. Người nhà cũng như xung quanh khu vực sinh sống không ghi nhận ca bệnh liên quan.
Khai thác thông tin từ bệnh nhân và người nhà không xác định được tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh nhân thường ngày chỉ đi làm thợ xây, xung quanh nhà cao ráo không bị ngập lụt.