+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 19/11/2024: Bác sĩ kịp thời cứu cháu bé bị cửa cuốn kẹp vào cổ

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 19/11/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bác sĩ kịp thời cứu cháu bé bị cửa cuốn kẹp vào cổ

    VietNamNet đưa tin, chiều tối 14/11, cháu bé 7 tuổi ở phường Nông Trang (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị cửa cuốn kẹp vào cổ dẫn đến ngừng tuần hoàn. Bệnh nhi đã được bác sĩ Đỗ Mỹ Linh sống cùng khu dân cư cấp cứu kịp thời. 

    Được biết, bác sĩ Linh làm việc tại khoa Nội thần kinh Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Khi gia đình cháu bé báo tin, nữ bác sĩ ngay lập tức đến cấp cứu, xác định trẻ bị ngừng tuần hoàn.

    Bác sĩ Linh thực hiện ép tim, thổi ngạt giúp bệnh nhi có nhịp tim trở lại sau 5 phút. Sau đó, xe cứu thương đến đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

    Khi vào viện, bệnh nhi hôn mê, được hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực. Sau 1 ngày, bệnh nhi tỉnh, rút ống nội khí quản. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh hoàn toàn, tinh thần tốt, tình trạng mạch, nhịp tim ổn định. 

    Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh hoàn toàn, tinh thần tốt. Ảnh: VietNamNet

    Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh hoàn toàn, tinh thần tốt. Ảnh: VietNamNet

    Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai hoạt động kết nối cán bộ y tế với người dân nhằm hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp. Cấp cứu ngay tại chỗ cho người bệnh ngừng tuần hoàn rất quan trọng, hạn chế tổn thương. Nhiều trường hợp ngừng tuần hoàn ở nhà hoặc trên đường vận chuyển đến bệnh viện, được cấp cứu hiệu quả, thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

    Các bác sĩ lưu ý, khi dùng cửa cuốn, người dân nên chú ý đến vấn đề bảo hành, bảo dưỡng cửa. Cần quan sát thường xuyên các hoạt động của cửa như phản ứng phát hiện vật cản không còn nhạy do mạch mô tơ điện bị chập.

    Công tắc hành trình dễ bị chập điện sẽ không an toàn, nguy cơ tiềm ẩn rất lớn khi gặp sự cố thoát hiểm. Đặc biệt, cần chú ý quản lý trẻ nhỏ khi đóng mở cửa để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

    Nguyên nhân khiến bé gái bị khàn tiếng, khó thở gần 4 tháng

    Theo tạp chí Tri Thức, bác sĩ Mai Phước Hiền ở khoa Hô hấp 1 – Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bé H. (18 tháng tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) bị khàn tiếng và khó thở kéo dài gần 4 tháng. Gia đình đưa bé đi khám, đều được chẩn đoán viêm thanh quản cấp. Bé được điều trị ngoại trú lẫn nội trú tại nhiều bệnh viện, triệu chứng có cải thiện nhưng không hết hẳn.

    Khibé có dấu hiệu thở rít thanh quản kéo dài, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận bé có hít sặc dị vật trước đây.

    Để tầm soát nguyên nhân, bệnh nhi được nội soi Tai mũi họng và chụp CT Scan cổ ngực, kết quả nghi ngờ có một màng chắn vùng hạ thanh môn. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện nội soi phế quản cho bệnh nhi và phát hiện mảnh dị vật bằng nhựa mỏng và trong suốt cắm ngay giữa thanh môn, tức giữa 2 dây thanh âm của bé.

    Rất nhanh, ekip nội soi tiến hành gắp dị vật thành công cho bé. Sau khi gắp dị vật, sức khỏe và đường thở của bệnh nhi phục hồi tốt và được xuất viện sau 2 ngày.

    Mảnh dị vật bằng nhựa mỏng và trong suốt được lấy ra. Ảnh: Tri Thức

    Mảnh dị vật bằng nhựa mỏng và trong suốt được lấy ra. Ảnh: Tri Thức

    Bác sĩ Hiền chia sẻ, dị vật kẹt lâu ngày trong đường thở có thể gây nhiễm trùng, xuyên thủng khí phế quản, nguy hiểm tính mạng của trẻ.

    Trong trường hợp này, gia đình bé hoàn toàn không ghi nhận được việc bé bị sặc dị vật, may mắn là dị vật tuy kẹt ở vị trí hiếm gặp nhưng không gây xuyên thủng đường thở của trẻ sau một thời gian rất dài.

    Bé trai ở Đồng Nai tử vong do bệnh sởi

    Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ngày 18/11, địa phương vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh sởi trong năm. Đó là bé trai H.T.H. (8 tuổi, ngụ phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), chưa được tiêm vaccine phòng sởi.

    Trước đó, ngày 15/11, bé H. được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám trong tình trạng sốt cao liên tục kèm ho, sổ mũi và phát ban toàn thân.

    Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh sởi kèm theo các biến chứng như viêm phổi, viêm kết mạc và viêm ruột; yêu cầu cho bé H. nhập viện điều trị. Tuy nhiên, sau khi được tiêm kháng sinh, gia đình đã xin cho bé xuất viện.

    Khi về nhà, tình trạng sức khỏe của bé chuyển biến xấu hơn với các triệu chứng sốt cao, ho, khó thở tăng dần. Gia đình cho uống nước gừng nhưng không đưa đến bệnh viện.

    Đến sáng ngày 17/11, bé H. rơi vào tình trạng nguy kịch với biểu hiện tím tái, không phản ứng. Gia đình gọi xe cấp cứu nhưng bé đã tử vong do ngưng hô hấp tuần hoàn ngoại viện và sởi biến chứng viêm phổi nặng.

    Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. Ảnh minh họa: Người Lao Động

    Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. Ảnh minh họa: Người Lao Động

    VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.900 ca mắc bệnh sởi.

    Hiện, cả tỉnh còn dư khoảng 20.000 liều vaccine sởi để tiêm miễn phí cho trẻ từ 1-10 tuổi. Do đó, những gia đình nào có con trong độ tuổi trên chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi cần đưa trẻ đến ngay trạm y tế để được tiêm chủng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-19-11-2024-bac-si-kip-thoi-cuu-chau-be-bi-cua-cuon-kep-vao-co-a482261.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan