+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 19/12: Bé 7 tuổi nhập viện sau bữa cháo buổi sáng

    (ĐS&PL) - Bé 7 tuổi nhập viện sau bữa cháo buổi sáng; Tự mua thuốc điều trị đau cột sống thắt lưng, cụ bà bị thủng dạ dày… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 19/12.

    Bé 7 tuổi nhập viện sau bữa cháo buổi sáng

    Theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang mới đây đã tiếp nhận bệnh nhi M.T.T (7 tuổi, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau tức họng, khó nuốt và cảm giác nuốt vướng.

    Nguyên nhân được nghi ngờ là do hóc xương sau khi ăn cháo xương lợn vào bữa sáng. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và chỉ định nội soi thực quản – dạ dày có gây mê để xử lý.

    Bác sĩ CKI Hứa Văn Đường - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, người trực tiếp thực hiện ca nội soi cho biết, ekip nội soi đã phối hợp với bác sĩ gây mê tiến hành gắp thành công một mảnh xương lợn kích thước khoảng 1,2x0,7 cm. Mảnh xương có đầu sắc nhọn, găm vào thành thực quản cách cung răng hàm trên khoảng 18 cm. Sau thủ thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và không cần nhập viện.

    Ekip nội soi đã phối hợp với bác sĩ gây mê tiến hành gắp thành công mảnh xương lợn. Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội

    Ekip nội soi đã phối hợp với bác sĩ gây mê tiến hành gắp thành công mảnh xương lợn. Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội

    Qua đây, bác sĩ Hứa Văn Đường đưa ra khuyến cáo, dị vật thực quản là một tình huống cấp cứu thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt trong quá trình ăn uống. Ở người lớn, các loại dị vật thường gặp bao gồm xương cá, xương gà, xương vịt, xương lợn hoặc các vật sắc nhọn như tăm. Trong khi đó, trẻ em thường dễ nuốt nhầm các dị vật nhỏ như nhẫn, đồng xu, khuy áo, đồ chơi nhỏ hay hạt nhãn.

    Tùy vào loại dị vật, mức độ tổn thương thực quản sẽ khác nhau. Những dị vật sắc nhọn như xương cá, xương gà hay xương lợn có thể gây tổn thương nghiêm trọng như chảy máu, thủng thực quản, viêm nhiễm hoặc áp xe trung thất.

    Nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, nguy cơ biến chứng sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện muộn, quá trình điều trị sẽ trở nên phức tạp và có thể đe dọa tính mạng.

    Người dân cần lưu ý, nếu có biểu hiện nghi ngờ hóc dị vật như đau, tức, khó thở vùng họng, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên môn và trang thiết bị kỹ thuật để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Tự mua thuốc điều trị đau cột sống thắt lừng, cụ bà bị thủng dạ dày

    Theo báo Giao Thông, chiều 18/12, Bệnh viện E (Hà Nội) thông tin, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiêu hóa đã mổ cấp cứu thành công cho một cụ bà 85 tuổi ở Hà Nội có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng ổ bụng.

    Bệnh nhân nhập viện được đưa đến cấp cứu muộn trong tình trạng bị viêm phúc mạc toàn thể do thủng ổ loét dạ dày tá tràng trên hàng loạt bệnh lý nền khác như tim mạch, hô hấp, xương khớp, thoát vị đĩa đệm... dẫn đến đe dọa tính mạng.

    Được biết, cụ bà bị đau cột sống thắt lưng mạn tính nên đã tự mua thuốc về điều trị, nhưng trong số thuốc đó có thành phần giảm đau tác dụng phụ lên dạ dày tá tràng và gây loét thủng.

    Hơn nữa, do người bệnh đã già yếu với nhiều bệnh lý nền kèm theo như huyết áp, tim mạch… nên các triệu chứng của thủng dạ dày tá tràng kéo dài suốt 4 ngày. Bệnh nhân còn tiếp tục dùng thuốc sau đó ít ngày.

    Khi đã xuất hiện tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, bụng trướng nhiều, người bệnh mới được đưa đến bệnh viện. Kết quả chụp CT ổ bụng ghi nhận: viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng mặt trước tá tràng – hang vị.

    Ngay sau mổ, bệnh nhân được chuyển điều trị hồi sức tích cực để theo dõi tiếp sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể vì thủng dạ dày tá tráng. Ảnh: Báo Giao Thông

    Ngay sau mổ, bệnh nhân được chuyển điều trị hồi sức tích cực để theo dõi tiếp sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể vì thủng dạ dày tá tráng. Ảnh: Báo Giao Thông

    Nhận định đây là trường hợp nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng ổ bụng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn liên khoa cấp cứu, tiêu hóa, gây mê hồi sức… và đưa ra phương án phẫu thuật cấp cứu để khâu lỗ thủng.

    Bác sĩ Nguyễn Khắc Điệp ở khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, việc đưa ra quyết định phẫu thuật cho cụ bà 85 tuổi là một thách thức lớn đặt ra cho các phẫu thuật viên. Bởi cụ bà còn mắc nhiều bệnh lý nền khác như bệnh tim mạch, hô hấp và loãng xương… Vì vậy, mỗi bước trong quá trình phẫu thuật đều được các bác sĩ hội chẩn, lên kế hoạch chi tiết từng bước, từ đánh giá tiền mê, kiểm soát huyết áp, đến hồi sức sau mổ… và phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa.

    Quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên phát hiện ổ bụng có rất nhiều dịch mủ, giả mạc do lỗ thủng từ môn vị dạ dày xuống mặt trước trên hành tá tràng có kích thước 2cm, trên nền ổ loét xơ chai. Các phẫu thuật viên nhanh chóng tiến hành làm sạch ổ bụng, phẫu thuật khẩn cấp khâu lỗ thủng dạ dày, tá tràng và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

    Ngay sau mổ, người bệnh được chuyển điều trị hồi sức tích cực để theo dõi tiếp sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể vì thủng dạ dày tá tráng.

    Bác sĩ Khắc Điệp khuyến cáo, với các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền.

    3 trẻ ở TP.HCM bị chấn thương do chế pháo

    Báo Đài Đoàn Kết đưa tin, chiều 18/12, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, trong hai tuần, khoa Bỏng – Chỉnh trực của bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhi liên quan đến hành vi chế pháo.

    Trong đó, bệnh nhi Đ.S.R. (nam, SN 2012, ngụ tỉnh Bình Phước) đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị vết thương chảy máu nhiều.

    Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được tiếp nhận và khẩn trương phẫu thuật. Ghi nhận vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.

    Trước đó, bệnh nhi A.T.V. (SN 2012, ngụ tỉnh Gia Lai) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo gây nổ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay 2 bên, đùi và cẳng chân 2 bên.

    Gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hoá chất để chế tạo pháo. Ảnh minh họa: Đại Đoàn Kết

    Gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hoá chất để chế tạo pháo. Ảnh minh họa: Đại Đoàn Kết

    Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, hàng năm tại bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

    Nhằm phòng tránh tai nạn do pháo, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, gia đình và nhà trường thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hoá chất để chế tạo pháo.

    Bác sĩ Ngà cho rằng, giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong, nhất là với các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá.

    “Hãy cùng nhau nâng cao ý thức về hiểm họa của pháo nổ, nhất là trong thời gian gần Tết xuất hiện những video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng”, bác sĩ Ngà khuyến cáo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-19-12-be-7-tuoi-nhap-vien-sau-bua-chao-buoi-sang-a491292.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan