Hội chứng khiến bé 8 tháng tuổi bị tổn thương da nặng
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận điều trị kịp thời cho trường hợp trẻ 8 tháng tuổi bị tổn thương làn da nặng do dị ứng chậm (Hội chứng Stevens-Johnson -SJS).
Cụ thể, bệnh nhi N.Đ.L. (8 tháng tuổi, trú tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vào viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt, ban đỏ trên da, rải rác bọng nước toàn thân, một số đã vỡ, rỉ dịch, một số vùng da bong trợt từng mảng lớn để lại nền da màu đỏ, kết mạc mắt đỏ, chảy nhiều ghèn, loét miệng, viêm mũi xung huyết, trẻ đau, quấy khóc nhiều.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng SJS và nguyên nhân ban đầu xác định dị ứng chậm do thuốc (cách nhập viện 3 tuần, bệnh nhi xuất hiện ho, gia đình tự dùng thuốc kháng sinh và thuốc ho không rõ loại).
Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, phối hợp với các chuyên khoa mắt, răng hàm mặt đưa ra phác đồ điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhi được cải thiện tốt và đã xuất viện trở về nhà.
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Chí Sỹ - Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp, hội chứng SJS là một tình trạng dị ứng chậm nghiêm trọng, thường liên quan đến phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc (kháng sinh, an thần, kháng virus…); nhiễm trùng (nhiễm Mycoplasma pneumoniae hoặc một số loại vi khuẩn/virus khác) hoặc một số nguyên nhân khác (tiêm vaccine, huyết thanh…).
Hội chứng SJS là một bệnh da cấp tính, cấp cứu với nhiều tổn thương hình bia bắn và dát đỏ, hoại tử da, tổn thương cũng có ở niêm mạc, biểu hiện đầu tiên bao gồm như sốt, đau nhức mắt và khó chịu khi nuốt, các triệu chứng này xuất hiện trước biểu hiện da một vài ngày.
Tổn thương da trong SJS là những dát đỏ bờ không rõ, xuất huyết vùng trung tâm, 1 số có bọng nước, các tổn thương hợp với nhau thành những bọng nước lớn, trẻ đau nhiều. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, trẻ có thể không ăn được hoặc không mở mắt được và có rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ nhiễm trùng cao, suy đa tạng và tử vong.
Hội chứng SJS là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ trẻ em nào, đặc biệt là khi trẻ sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc bị nhiễm trùng. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng.
Các bậc phụ huynh cần cảnh giác không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ một cách bừa bãi và theo dõi sức khỏe của trẻ, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của hội chứng SJS có thể cứu sống bệnh nhân, vì thế cần lưu ý các triệu chứng cảnh báo như: sốt cao kèm theo đau họng, mệt mỏi; phát ban đỏ trên da, bắt đầu từ mặt, ngực và dần lan rộng khắp cơ thể; vết loét trong miệng hoặc trên môi; da bong tróc thành từng mảng lớn; bọng nước, chảy nước mắt, mờ mắt hoặc đau mắt do tổn thương giác mạc.
Khi xuất hiện một trong những dấu hiệu trên sau khi sử dụng thuốc khoảng 1-3 tuần hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đau đầu âm ỉ, đi khám phát hiện bị phình động mạch não
Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị phình mạch máu não.
Cụ thể, bệnh nhân nam P.V.D (58 tuổi, ở Hà Nội) vào khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì đau đầu âm ỉ 2 tuần, uống thuốc không đỡ.
Tại bệnh viện, kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch não, có khả năng vỡ cao, được chỉ định nhập viện can thiệp. Bệnh nhân được can thiệp nút túi phồng bằng lò xo kim loại. Quá trình điều trị thuận lợi, bệnh nhân được ra viện sau 24 giờ, trở lại cuộc sống bình thường.
Theo TS.BS Lương Tuấn Anh ở khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phình động mạch não là hiện tượng một đoạn mạch máu trong não có đường kính lớn hơn bình thường, xảy ra khi đoạn mạch máu yếu, bị phình dưới áp lực của dòng máu. Nếu không được phát hiện, điều trị, túi phồng sẽ tăng dần kích thước, vỡ, gây chảy máu dưới nhện (một dạng chảy máu não).
Bác sĩ Lương Tuấn Anh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra phình động mạch não như bẩm sinh, hút thuốc lá, béo phì… nhưng đáng chú ý nhất là bệnh lý tăng huyết áp.
Triệu chứng của phình mạch máu não thường không rõ ràng và âm thầm tiến triển cho tới khi túi phồng bị vỡ, bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, nôn và buồn nôn. Vì vậy, người bệnh cần sàng lọc phát hiện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ phình động mạch não như tự nhiên xuất hiện đau đầu, đau đầu âm ỉ kéo dài nhiều ngày, đau đầu nhiều hơn các lần đau trước hay đau đầu đáp ứng kém với các thuốc thông thường.
Nga dự kiến công bố vaccine ung thư vào đầu năm 2025
VTC News dẫn thông tin trên TASS cho hay, theo ông Andrey Kaprin - Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu y khoa X quang thuộc Bộ Y tế Nga, nước này đang phát triển vaccine mRNA để đối phó với bệnh ung thư.
Vaccine được phát triển với sự hợp tác của một số trung tâm nghiên cứu. Dự kiến, Nga sẽ công bố vaccine này vào đầu năm 2025. Vaccine sẽ được phân phối miễn phí cho các bệnh nhân.
Trước đó, ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya cho hay, các thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ ra vaccine có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u và nguy cơ di căn tiềm ẩn.
"Trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng, chúng tôi thấy rằng khối u ác tính đã biến mất, và không chỉ khối u mà ngay cả tình trạng di căn cũng biến mất. Tôi không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ đưa thêm bệnh nhân tham gia ở giai đoạn thử nghiệm thứ tư", ông Gintsburg chia sẻ với truyền thông Nga.
Ông Gintsburg lưu ý đây là loại vaccine điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vaccine được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vaccine phòng COVID-19. Theo ông Gintsburg, vaccine mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya cho biết thêm, các kế hoạch đang được triển khai để bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vaccine này với các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thận và tụy. Các viện ung thư dự kiến cũng sẽ tham gia vào việc thử nghiệm này.