Đang đi xe đạp, bé trai bất ngờ gặp nạn với bầy ong
Theo tạp chí Tri Thức, khi đang đi xe đạp trên đường, bé trai N.M.K. (7 tuổi, ngụ Kiên Giang) đã bị ong vò vẽ đốt khoảng 70 vết, sau khi tổ ong từ trên cây rơi xuống. Sau khi gặp nạn với bầy ong, bé được người dân phát hiện và lập tức đưa đến bệnh viện địa phương để sơ cứu.
Thời điểm được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bé K. đã li bì, ngủ gà, thở co kéo 38 lần/phút, mạch nhanh, vàng da, vàng mắt, tiểu ít vàng sậm. Trên cơ thể bé có khoảng 70 vết ong đốt, đầu mặt cổ, ngực, tay chân có vài nốt đốt có hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc bệnh viện, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy bé K. có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan (men gan > 6000 đv/ml), tán huyết.
Bác sĩ cấp cứu xử lý đặt nội khí quản giúp thở, dịch truyền, kháng sinh, vitamin K1, hỗ trợ gan, hội chẩn ekip lọc máu, tiến hành lọc máu cho trẻ và tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa hồi sức.
Qua sự việc này, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo người dân cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa ong đốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ:
- Phát quang khu vực xung quanh nhà và vườn, đảm bảo không có tổ ong ẩn nấp.
- Hướng dẫn trẻ em không lại gần hoặc chọc phá tổ ong, tránh tiếp xúc với những khu vực có ong sinh sống.
- Khi đi dã ngoại hoặc vào rừng, người dân nên tránh mặc quần áo sặc sỡ và sử dụng nước hoa vì có thể thu hút ong.
Hãi hùng phát hiện nhiều giun đũa trong đại tràng người đàn ông
VTC News đưa tin, bị đau bụng từng cơn kèm buồn nôn, người đàn ông 33 tuổi (trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên kiểm tra. Sau khi siêu âm vùng bụng không phát hiện bất thường, các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày - đại tràng.
Qua nội soi phát hiện niêm mạc đại tràng xung huyết, đoạn đại tràng xuất hiện nhiều giun đũa. Người bệnh được ekip nội soi dùng kìm kẹp gắp giun theo ống nội soi qua đường hậu môn ra ngoài. Giun được gắp ra rất nhiều, vẫn sống và dài khoảng 10cm.
Theo bác sĩ, giun đũa là loại ký sinh trùng lây truyền qua đất (trứng giun phát triển ở đất ẩm thông qua thực phẩm, rau, nước) vào trong ống tiêu hóa để phát triển, sinh sản.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh không có triệu chứng, khi giun phát triển, sinh sôi chúng di chuyển đến nhiều cơ quan gây ra loạt triệu chứng viêm phổi, viêm mắt, viêm tắc ruột, áp xe gan.
Để phòng chống nhiễm giun đũa cũng như các loại ký sinh trùng khác nói chung, người dân nên thay đổi lối sống, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hạn chế ăn rau sống.
Đồng thời, người dân không nên đi chân trần, thường xuyên quét dọn, khơi thông cống rãnh, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, nâng cao thể trạng và khám sức khỏe khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Hà Nội ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc liên cầu lợn
Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, trong tuần, thành phố ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại Hoàn Kiếm.
Cụ thể, bệnh nhân là nam, 34 tuổi, tiền sử dịch tễ chưa rõ, khởi phát bệnh ngày 29/8 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức, lơ mơ, tiểu không tự chủ, nhập viện Bệnh viện Bạch Mai cùng ngày. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 8 trường hợp mắc liên cầu lợn, 1 ca tử vong. Theo CDC Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.
CDC Hà Nội cảnh báo, người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng nên việc ăn chín uống sôi rất quan trọng.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sưc tích cực Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh).
Ngoài ra, bệnh lây thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần). Người bị Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề: điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn, không hồi phục.
Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Ngoài ra, người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.