+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 14/9/2024: Biến dạng tứ chi vì sai lầm này khi mắc bệnh gout

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 14/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

     Biến dạng tứ chi vì sai lầm này khi mắc bệnh gout

    Theo VTC News, người đàn ông quê Phú Thọ làm công việc lái xe, thường xuyên sinh hoạt không điều độ. 10 năm trước, anh được chẩn đoán mắc bệnh gout nhưng không đi khám định kỳ, cũng không điều trị nên bệnh mỗi lúc một nặng.

    Cách đây vài năm, mỗi khi thấy các khớp, ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay đau nhức anh dùng thuốc nhưng không thuyên giảm. Gần đây, khi thấy các khớp hình thành khối u, phát triển ngày càng to, gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt như cầm nắm và đi lại nên anh mới đi viện điều trị.

    Theo TS.BS Vi Trường Sơn - Trưởng khoa Ngoại yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nam bệnh nhân phát hiện bệnh trên 10 năm nhưng không đi khám và điều trị thường xuyên, cũng như không điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ nên tứ chi bị biến dạng.

    “Mọi người cần đi khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, khi phát hiện có bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.

    Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị biến chứng của bệnh gout. Ảnh: VTC News

    Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị biến chứng của bệnh gout. Ảnh: VTC News

    Gout là bệnh lý khá phổ biến hiện nay và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout như ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (hải sản, nội tạng động vật, trứng…); sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên; thừa cân, mắc bệnh béo phì; mắc bệnh lý về thận, tim mạch; trong gia đình có người tiền sử mắc bệnh gout.

    Bệnh gout khi được phát hiện không có chế độ điều trị, ăn uống hợp lý, quá trình tiến triển lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như viêm khớp, biếng dạng khớp do lắng đọng các tinh thể urat tạo thành các khối ở vị trí các khớp bàn ngón chân, bàn ngón tay, ảnh hưởng đến chức năng vận động các khớp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nhiều trường hợp vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, viêm xương phải cắt cụt chi, nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng.

    Vô tình uống nhầm nước lau sàn đựng trong chai nước ngọt

    Theo chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội, Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.V. (60 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) uống nhầm nước lau sàn.

    Cụ thể, bệnh nhân vô tình uống phải 2 ngụm dung dịch lau sàn có chứa acid citric được đựng trong chai nước ngọt. Người bệnh nhập viện trong tình trạng rát miệng họng, không đau ngực, không đau bụng.

    Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng. Kết quả nội soi cho thấy niêm mạc họng bị nề nhẹ nhưng may mắn là dạ dày không có tổn thương do hóa chất.

    Bác sĩ xác định đây là trường hợp ngộ độc hóa chất lau sàn và nhanh chóng tiến hành các biện pháp điều trị như bài niệu, giảm tiết và thải độc.

    Sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn định. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội

    Sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn định. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội

    Bác sĩ Ngô Quang Trường - khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: "Mức độ tổn thương khi ngộ độc hóa chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại hóa chất, liều lượng, nồng độ và thời gian đến viện. Các biểu hiện ban đầu thường là bỏng rát, đỏ, nề ở niêm mạc miệng và họng. Trong trường hợp nặng, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như bỏng thực quản, dạ dày, thậm chí dẫn đến tử vong".

    May mắn là bệnh nhân N.V.D chỉ uống phải một lượng nhỏ hóa chất và được cấp cứu kịp thời nên không gặp biến chứng nặng. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm gan thận đều trong giới hạn bình thường.

    Từ sự việc này, các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người bị ngộ độc hóa chất, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng gây nôn cho bệnh nhân, vì điều này có thể gây sặc hóa chất hoặc làm lan rộng tổn thương.

    Ngoài ra, cần bảo quản các loại hóa chất trong bình chứa riêng, có nhãn ghi chú rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Đồng thời, đặt các hóa chất ở nơi kín đáo, xa tầm với của trẻ nhỏ.

    5 người xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi ăn nấm xào

    Báo Hà Tĩnh đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho 4 người dân trú tại thôn 10 (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị ngộ độc nghi do ăn nấm không rõ nguồn gốc.

    Theo anh Đinh Quốc H. ở thôn 10, tối 12/9, gia đình anh mời 3 người cùng thôn đến nhà ăn cơm. Trong bữa ăn có món nấm xào, vợ chồng anh lấy trong quá trình đi rừng.

    Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 5 người đều bị nôn, sau đó đau bụng và đi ngoài liên tục. Biết là bị ngộ độc, vợ chồng anh cùng 2 người đã được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu, điều trị; 1 người điều trị tại nhà.

    Tại bệnh viện, các bệnh nhân đã được cấp cứu, điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm. Đến sáng 13/9, cả 4 bệnh nhân đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.

    Người bệnh bị ngộ độc đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

    Người bệnh bị ngộ độc đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

    Theo bác sĩ CKI Trần Tiền – Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện như đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài nhiều lần; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở… Có một số loại nấm có thể gây ngộ độc rất nặng như gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.

    Vì vậy, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại.

    Người dân cũng không nên ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với các loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi có nghi bị ngộ khi ăn nấm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-14-9-2024-bien-dang-tu-chi-vi-sai-lam-nay-khi-mac-benh-gout-a464734.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan