+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 11/9/2024: Bệnh lý khiến người Việt tử vong nhiều hơn ung thư

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 11/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bệnh lý khiến người Việt tử vong nhiều hơn ung thư

    VietNamNet đưa tin, GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia chia sẻ bên lề Hội nghị Công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch, do Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức ngày 10/9.

    Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 200.000 người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn nguyên nhân do bệnh lý ung thư (khoảng 120.000 người/năm).

    "Trong 30 năm qua, theo điều tra, mỗi năm huyết áp của người Việt tăng thêm 1mmHg, tức là 1%, rất đáng sợ", Giáo sư Phạm Mạnh Hùng nói. Tỷ lệ người lớn mắc tăng huyết áp tăng gấp 3 sau 20 năm (từ 10% năm 2000 lên 30% năm 2020). 

    Bác sĩ khoa Nội tim mạch Bệnh viện 19-8, khám cho người bệnh. Ảnh: VietNamNet

    Bác sĩ khoa Nội tim mạch Bệnh viện 19-8, khám cho người bệnh. Ảnh: VietNamNet

    Viện Tim mạch Quốc gia mỗi năm điều trị trên 20.000 bệnh nhân. Nếu trước đây các bệnh lý tim mạch do nhiễm trùng như thấp tim, van tim do thấp hay tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ lớn thì nay các bệnh lý tim mạch do yếu tố nguy cơ như mạch vành, nhồi máu cơ tim... tăng lên rất nhanh.

    "30 năm trước, bệnh lý mạch vành chỉ chiếm 10-15% bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện Tim mạch thì năm 2023, trong 4.000 ca can thiệp động mạch vành có hơn một nửa là nhồi máu cơ tim cấp", Giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho hay, trong đó có nhiều người trẻ, cá biệt có những ca 24-26 tuổi. 

    Đáng chú ý, các bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim có điểm chung về các yếu tố nguy cơ cao như nam giới, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch sớm. 

    Bên cạnh các nguy cơ truyền thống gây ra bệnh không lây nhiễm như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống, theo Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, sự gia tăng và trẻ hoá bệnh lý tim mạch còn do các yếu tố nguy cơ mới nổi liên quan đến môi trường, stress. Theo đó, stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sớm hoặc tăng biến chứng trên người đã mắc bệnh lý tim mạch. 

    Đánh giá về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch tại Việt Nam hiện nay, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho biết hiện cả nước có 142 trung tâm thực hiện can thiệp tim mạch.

    Năng lực của bác sĩ dù đã được nâng cao dù khoảng cách trình độ giữa tuyến trên - tuyến dưới vẫn là điều cần cố gắng. Tuy nhiên, ông khẳng định người mắc bệnh lý tim mạch ở Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị.

    Người phụ nữ nhập viện sau khi tự lột da bằng hóa chất ở nhà

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm, sưng nề do lột da bằng hóa chất (hay còn gọi là peel da) tại nhà.

    Theo đó, bệnh nhân là D.B.T.L. (nữ, 28 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng nề cả vùng mặt và mắt, rỉ dịch vàng, ngứa và đau rát.

    Bệnh nhân cho hay, do mặt có tàn nhang, đốm nâu nên đã mua combo tái tạo da trên một phiên livestream Tiktok với giá 373.000 đồng về sử dụng. Combo tái tạo da bao gồm tinh chất tái tạo da và bột rửa mặt. Sản phẩm được quảng cáo có tác dụng xóa sạch các vết nám, tàn nhang, da không đều màu, tái sinh làn da mới, khỏe, tăng sinh collagen và trẻ hóa làn da…

    "Nhân viên của shop hướng dẫn tôi bôi tinh chất lên mặt ngày 3 lần (sáng, trưa, tối). Mỗi lần bôi lên da tôi thấy da hơi nóng, ửng đỏ. Sau 3 ngày sử dụng liên tiếp, da mặt tôi sưng lên, nóng, đỏ, rát, ngứa, đau, đóng mài, chảy dịch, 2 mắt sưng híp không nhìn thấy được", bệnh nhân cho biết thêm.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng nề cả vùng mặt và mắt, rỉ dịch vàng, ngứa và đau rát. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng nề cả vùng mặt và mắt, rỉ dịch vàng, ngứa và đau rát. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Ngay khi mặt có những hiện tượng lạ, bệnh nhân đã liên hệ với shop bán hàng thì được hướng dẫn mua sữa tươi không đường về trộn với bột rửa mặt trong combo tái tạo da để rửa mặt. Tuy nhiên, sau khi "chữa cháy" theo hướng dẫn, tình trạng da của bệnh nhân không những không cải thiện mà ngày càng nặng hơn.

    "Da tôi bắt đầu đóng vảy, chảy dịch, cảm giác đau rát, ngứa ngáy… Tôi chụp hình trao đổi với shop thì họ nói "như vậy là tốt, da đang đào thải mạnh…", bệnh nhân chia sẻ.

    Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các bác sĩ nhận thấy tình trạng của bệnh nhân có dấu hiệu viêm da tiếp xúc dị ứng kèm theo nên đã chỉ định cho bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.

    BS.CKI Phạm Ngọc Trâm – Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TPHCM chia sẻ: "Bệnh nhân D.B.T.L. được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm ngứa và chăm sóc tại chỗ. Sau điều trị khoảng 1 tuần, sang thương da giảm phù nề, giảm đỏ, các mụn mủ khô dần bong vảy, bệnh nhân được xuất viện".

    Theo ThS.BS Lê Thảo Hiền ở khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, nguyên nhân chính gây viêm da nhiễm trùng sưng nề ở bệnh nhân D.B.T.L. là do bệnh nhân sử dụng sản phẩm peel da với thành phần không rõ ràng về hoạt chất và nồng độ gây lột da mức độ nặng.

    "Khi lột mạnh khiến cho các lớp da nông lẫn da sâu bị bong tróc, kích thích phản ứng viêm gây đỏ và sưng nề mặt. Hơn thế nữa, các vi khuẩn có hại xâm nhập vào da gây nhiễm trùng", bác sĩ Hiền nói.

    Quảng Bình ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

    Ngày 10/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa có thêm một bệnh nhân ở huyện Minh Hóa tử vong do sốt xuất huyết, theo báo Nhân Dân.

    Như vậy, trong vòng chưa đầy một tháng, Quảng Bình có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và đều từ cơ sở điều trị tuyến dưới chuyển lên tuyến trên khi bệnh quá nặng không còn cơ hội cứu chữa.

    Theo cơ quan y tế, huyện miền núi Minh Hóa trong năm nay ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023 và đã có một ca tử vong là ông Đ.M.T. (sinh năm 1960, ở thị trấn Quy Đạt).

    Sau khi được test nhanh dương tính với sốt xuất huyết, ngày 7/9, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới và chẩn đoán shock nhiễm khuẩn - viêm phổi - viêm cơ tim/shock sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4.

    Sáng 8/9, bệnh nhân hôn mê nên gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và bệnh nhân đã tử vong.

    Qua điều tra dịch tễ cho thấy, xung quanh nơi sinh sống và trong gia đình của bệnh nhân có bốn trường hợp sốt, trong đó hai trường hợp điều trị tại phòng khám tư với chẩn đoán theo dõi sốt siêu vi, còn hai trường hợp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa với test nhanh dương tính sốt xuất huyết.

    Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình giám sát việc điều trị sốt xuất huyết cho người bệnh tại một cơ sở y tế trong tỉnh. Ảnh: Nhân Dân

    Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình giám sát việc điều trị sốt xuất huyết cho người bệnh tại một cơ sở y tế trong tỉnh. Ảnh: Nhân Dân

    Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp, dịch sốt xuất huyết trong 8 tháng năm 2024 ở địa phương tăng so với cùng kỳ năm 2023 và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều đã ghi nhận ca mắc. Trong vòng chưa đầy một tháng, Quảng Bình đã ghi nhận hai người tử vong do sốt xuất huyết.

    Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho biết, cùng với thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, như: điều tra, giám sát, phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng, các cơ sở y tế cần tăng cường công tác tập huấn về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết để sẵn sàng tổ chức thu dung, điều trị người bệnh an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng dẫn đến tử vong do dịch sốt xuất huyết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-11-9-2024-benh-ly-khien-nguoi-viet-tu-vong-nhieu-hon-ung-thu-a463899.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan