Hoại tử chân sau khi chữa rắn cắn ở nhà thầy lang
VTC News dẫn thông tin từ đại diện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cơ sở này vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, huyết áp và mạch không đo được, suy đa tạng, rối loạn đông máu, hoại tử chân phải vì bị rắn cắn nhưng không được điều trị đúng cách, kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhân là bà N.T.T.H. (SN 1968, trú tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Bà bị rắn độc cắn từ ngày 5/10 nhưng không đi bệnh viện mà đến thầy lang để chữa, khi tình trạng nguy kịch mới đi cấp cứu.
Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Đoan Dung - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sau khi tiếp nhận bệnh nhân H., các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, tiêm huyết thanh kháng độc rắn và xử lý vết thương hoại tử ở chân phải cho bà.
"Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã có tiến triển tốt", bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung cho hay.
Trước đó, vào chiều 5/10, đang làm rẫy thì bị rắn cắn vào chân phải, bà H. dùng dây cột garo vết thương và gọi người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil. Trong khi chờ các bác sĩ lấy máu xét nghiệm, bà được người nhà của bệnh nhân giường kế bên mách địa chỉ nhà thầy lang chuyên chữa trị rắn cắn ở huyện Cư Yút (tỉnh Đắk Nông), liền tìm đến ông này để điều trị.
Bà H. kể: “Tới nhà thầy lang, ông ấy nói sẽ chữa khỏi với giá 70 triệu đồng. Gia đình tôi đưa trước cho thầy lang 40 triệu đồng. Quá trình nằm điều trị tại nhà thầy lang, tôi được cho uống thuốc lá không rõ loại gì, xông chân. Thầy lang dùng dụng cụ xử lý vết thương cho tôi.
Khi uống thuốc lá, tôi bị nôn ói và tiêu chảy, chân đau nhức, người mệt mỏi. Chữa trị tới đêm thứ 4 thì tôi ngất xỉu và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên”.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận các trường hợp bị rắn cắn. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 300 người bị rắn cắn. Từ đầu năm 2024 tới nay, đã có hơn 200 người nhập viện vì nguyên nhân này.
Hầu hết bệnh nhân nhập viện sớm nên quá trình điều trị cho kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan, tin theo lời thầy lang hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng như đắp lá, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Phẫu thuật lấy thai cho sản phụ bị viêm tụy cấp, đái tháo đường thai kỳ
Theo TTXVN, các bác sĩ khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) vừa phẫu thuật lấy thai thành công, đón bé gái nặng 5kg cho sản phụ mắc viêm tụy cấp, đái tháo đường thai kỳ.
Các bác sĩ chia sẻ, chị N.H.Y, (37 tuổi, ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba) mang thai lần 3, thai 39 tuần, đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường thai kỳ, đã từng phải lọc máu khi thai ở tuần 23. Khi lấy mẫu xét nghiệm, chỉ số mỡ máu của sản phụ tăng cao, gấp 10 lần so với bình thường.
Các bác sĩ khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đã hội chẩn điều trị với các chuyên khoa Nội tiết, Tim mạch và Gây mê chỉ định phẫu thuật lấy thai, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho cuộc phẫu thuật, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ và bé.
Sau 1 giờ, ca phẫu thuật thành công, bé gái nặng 5 kg chào đời khỏe mạnh trong niềm vui của toàn bộ ekip phẫu thuật và cả gia đình sản phụ. Hai mẹ con tiếp tục được bác sĩ theo dõi đường huyết liên tục đề phòng biến chứng hạ đường huyết sơ sinh.
Hiện, sau 7 ngày điều trị, các chỉ số xét nghiệm và vết mổ của chị Y. đã ổn định, chị và bé được xuất viện.
Bác sĩ CKII Trịnh Thị Hồng Hiệp - khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết, đái tháo đường thai kỳ để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi. Đây cũng là yếu tố nguy cơ mắc viêm tụy cấp, gây tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật, tăng huyết áp.
Đái tháo đường thai kỳ cũng gây nguy cơ sinh non, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và dị tật bẩm sinh nên phải sinh mổ. Do đó, phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Điều trị và kiểm soát đường huyết trong thai kỳ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Lấy ra 3 viên sỏi lớn như nắm tay từ cơ thể cụ ông
Báo Giao Thông đưa tin ngày 11/10, theo tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark (Đồng Nai), các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật lấy ba viên sỏi lớn như nắm tay ra khỏi cơ thể của ông N.V.D (64 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo bác sĩ, ông D. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bí tiểu cấp tính. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi bàng quang kích thước lớn, dày thành bàng quang, tăng sản tiền liệt tuyến, thận ứ và sỏi niệu quản phải. Nguyên nhân do các viên sỏi có kích thước lớn đã gây ra tình trạng giãn toàn bộ niệu quản.
Bác sĩ cho hay, tình trạng bệnh trên không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội mà còn đe dọa nghiêm trọng đến chức năng thận của bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, ông D. có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận mạn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Do vậy, các y, bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật cho ông D.. Các bác sĩ phải kết hợp nội soi bóc khối u tiền liệt tuyến và phẫu thuật mở lấy hết sỏi.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh lý sỏi đường tiết niệu, mọi người cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giúp loãng nước tiểu và đào thải các chất cặn bã.
Hạn chế các thực phẩm giàu oxalate như rau bina, đậu phộng, sô cô la. Ngoài ra cũng nên giảm lượng muối và protein động vật đồng thời tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện chức năng thận.