+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 9/10/2024: Bị thủng ruột vì thói quen nhiều người mắc

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bị thủng ruột vì thói quen nhiều người mắc

    Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương mới đây đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.T. (64 tuổi, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) được chẩn đoán thủng ruột do dị vật đường tiêu hóa.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng cơn vùng rốn, không nôn, không sốt, không bí trung đại tiện. Kết quả thăm khám lâm sàng cho thấy bụng không chướng nhưng khi nắn vùng hố chậu phải có phản ứng thành bụng, trên phim chụp CT- scanner ổ bụng cho thấy hình ảnh dị vật hình que dài 49mm, xuyên thủng thành ruột.

    Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu lấy dị vật và xử lý lỗ thủng ruột. Trong qua trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện dị vật là một tăm tre chọc thủng qua thành ruột.

    Kíp phẫu thuật đã tiến hành lấy dị vật ra khỏi thành ruột và khâu lại thành ruột đại tràng, tạo hậu môn nhân tạo. Sau 7 ngày phẫu thuật, tiêu hóa tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, được chỉ định xuất viện.

    Dị vật là một tăm tre chọc thủng qua thành ruột. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Dị vật là một tăm tre chọc thủng qua thành ruột. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Bác sĩ Phạm Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, thủng ống tiêu hóa do dị vật là một bệnh cảnh ít gặp, tuy nhiên hàng năm tại khoa ngoại cũng gặp một số ca thủng đại tràng do tăm, do xương cá.

    Đối với trường hợp bệnh nhân trên là do có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn nên vô tình nuốt phải tăm vào bụng gây thủng ruột. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc toàn thể, nguy hiểm đến tính mạng.

    "Người dân cần bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn uống hoặc khi đi ngủ. Khi nghi ngờ nuốt phải di vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Phạm Văn Thái khuyến cáo.

    Đối mặt nguy cơ tử vong chỉ vì nhọt ở ngón chân

    Báo Người Lao Động đưa tin, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca bệnh uốn ván với bệnh cảnh nặng nề, nguy cơ tử vong cao.

    Nam bệnh nhân N.V.M. (56 tuổi, ở Hải Dương) nhập viện trong tình trạng cứng hàm, khó ăn, khó nuốt, không há được miệng, tăng trương lực cơ toàn thân, đau đầu, mệt mỏi.

    Trước đó một tuần, bệnh nhân có nhọt ở ngón chân cái nhưng vẫn lội nước bẩn trong đợt mưa bão nên vi khuẩn xâm nhập qua vết thương. Sau hơn một tuần được theo dõi và điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển khả quan hơn.

    Tuy không phải mở khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy cơ tử vong vì có thể xảy ra các biến chứng suy hô hấp, bội nhiễm trên cơ địa nhiều bệnh nền.

    Bác sĩ xử trí cấp cứu cho bệnh nhân uốn ván. Ảnh: Người Lao Động

    Bác sĩ xử trí cấp cứu cho bệnh nhân uốn ván. Ảnh: Người Lao Động

    Một trường hợp khác mắc uốn ván là nam bệnh nhân N.V.G. (49 tuổi), làm nghề thợ mộc. Trước đó, bệnh nhân bị máy bào gỗ cắt qua đốt ngón 3 tay trái. Bệnh nhân không đến bệnh viện mà tự xử lý vết thương và đắp lá tại nhà.

    Khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, khó thở, đi lại khó khăn, vết thương ở ngón tay bị hoại tử đen, nghi có chứa dị vật. Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán ban đầu là uốn ván, suy hô hấp phải thở máy, hỗ trợ hô hấp.

    Hiện tại, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy gan thận cấp, tiêu cơ vân cấp, vô niệu, nguy cơ tử vong cao.

    PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Sau khi bị vết thương khoảng 1-2 tuần, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sớm là cứng hàm, khó nhai, khó nuốt, sau đó sẽ cứng cơ, tăng trương lực cơ toàn thân, mức độ nặng sẽ có biểu hiện co giật, toàn thân uốn cong, kèm theo khó thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật.

    Đặc điểm chung của các bệnh nhân nói trên là chủ quan nên không tiêm phòng vaccine uốn ván sau khi bị thương.

    Đối tượng mắc bệnh thường là người nông dân, công nhân chưa được tiêm phòng uốn ván và tiếp xúc nhiều với đất, bùn, nước thải, môi trường chăn nuôi gia súc gia cầm, công trường, trẻ sơ sinh mà trong thời kỳ mang thai mẹ không tiêm phòng uốn ván.

    Ngoài ra, uốn ván sơ sinh có thể bị lây truyền qua dụng cụ y tế không tiệt trùng khi cắt dây rốn cho trẻ, đây là một thể rất nặng của bệnh uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao.

    Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, với các ca bệnh uốn ván, nếu không xử trí kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực có thể nhanh chóng tử vong hoặc có nhiều biến chứng trên các hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, xương khớp. Do đó, khi bị thương, trầy xước cần sát trùng vết thương đúng cách, không bịt kín vết thương và đến cơ sở y tế để được tiêm phòng, xử lý.

    Xử trí nhanh chóng cứu người đàn ông bị ngộ độc thuốc tê

    Theo VTV Times, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa xử trí một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê khi tiêm ngoài màng cứng. Cụ thể, nam bệnh nhân 54 tuổi bị đau lưng do thoát vị L4/5 được chỉ định tiêm thuốc tê ngoài màng cứng (thuốc có thành phần Lidocain).

    Sau tiêm 2 phút, bệnh nhân hoảng hốt, đau ngực, huyết áp tăng, mạch nhanh, SpO2 tụt… Với sự nhanh nhạy, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê và xử trí cấp cứu nhanh chóng.

    Bệnh nhân hiện đã trở lại bình thường. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhân hiện đã trở lại bình thường. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhân được tiêm truyền nhũ dịch Lipid 20% 250ml và truyền thành dòng với mục đích cấp cứu giải độc nhanh, tiêm bắp Adrenalin, hỗ trợ thở oxy...

    Khoảng 30 phút sau, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, không còn cảm giác buồn nôn, đau ngực, khó thở và đến sáng nay, bệnh nhân đã trở lại bình thường.

    Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, khi bị ngộ độc nếu không được xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

    Bởi vậy, việc thực hiện các thủ thuật cần sử dụng thuốc tê cần được thực hiện ở bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ nhân viên y tế nhanh nhạy, nhận biết và xử trí các tình huống nhanh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-9-10-2024-bi-thung-ruot-vi-thoi-quen-nhieu-nguoi-mac-a471320.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan