Xúc động bố vượt nước lũ đi lấy sữa, tã cho con
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ The Straits Times cho biết, giữa lúc lũ lụt nghiêm trọng đang xảy ra ở Malaysia, một đoạn video trên TikTok ghi lại hành trình dũng cảm của một người bố khi vượt qua vùng nước sâu tới ngực để lấy sữa và tã cho con mình khiến người xem xúc động.
Đoạn video được chia sẻ vào ngày 29/11 bởi tài khoản @misshaa1 (tự giới thiệu là vợ của người đàn ông), ghi lại cảnh người bố lội qua vùng nước lũ đục ngầu, bất chấp nguy hiểm vì em bé đã hết đồ dùng thiết yếu.
"Đồ dùng của chúng tôi đã hết và không còn lựa chọn nào khác. Các cửa hàng đã đóng cửa, chúng tôi không nhờ được ai giúp đỡ", chủ tài khoản @misshaa1 cho hay.
Sau khi được đăng tải, đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 119.400 lượt xem trong vòng 24 giờ. Nhiều người xem dành lời khen cho lòng dũng cảm của người bố nhưng một số lại cho rằng đây là hành động tiềm ẩn rủi ro quá lớn.
"Có thể ai đó sẽ giúp. Như thế này rất nguy hiểm. Nếu ở Tanah Merah, tôi thấy mọi người đăng lời nhờ giúp đỡ", một tài khoản viết.
Trong bài đăng tiếp theo, sau video đầu vài tiếng, chủ tài khoản TikTok @misshaa1 đã trấn an người xem rằng chồng cô đã trở về an toàn cùng với những vật dụng cần thiết.
Người đàn ông 60 tuổi mắc chứng bệnh lạ vì thú vui chăm cá cảnh
VietNamNet dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho biết anh vừa tiếp nhận một trường hợp tới khám vì chứng bệnh lạ.
Cụ thể, ông T. (60 tuổi, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có một khối sưng đỏ ở ngón thứ hai tay phải. Tổn thương này kéo dài hơn 1 năm, không đau, không ngứa, ông T. đã đi khám nhiều nơi, tình trạng vẫn không cải thiện.
Sau khi thăm khám và hỏi kỹ bệnh sử, xét nghiệm nuôi cấy, bác sĩ Thành chẩn đoán đây là trường hợp mắc u hạt do nhiễm Mycobacterium - bệnh lý xuất hiện ở những người chơi cá cảnh. Được biết, ông T. đam mê cá cảnh, cả ngày dành hàng giờ chăm sóc đàn cá.
Theo bác sĩ Thành, u hạt do nhiễm Mycobacterium marinum là căn bệnh hiếm gặp do vi khuẩn trong nước bẩn hoặc bể cá có mầm bệnh. Vi khuẩn này xâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ trên da, gây tổn thương dạng u hạt.
Biểu hiện của bệnh là các sẩn, cục nhỏ hoặc mảng màu đỏ nâu 1-4cm, bề mặt tăng sừng và sùi lên, thường không loét. Một số có vảy tiết trên nền u hạt, có thể tiết dịch mủ, sẩn nhỏ vệ tinh, tạo các đường ngầm bên dưới u hạt. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài dai dẳng trong nhiều năm, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Bác sĩ Thành khuyến cáo người chơi cá cảnh, nhân viên trong cửa hàng cá cảnh hoặc môi trường thủy sinh, làm nghề đánh bắt cá luôn sử dụng găng tay bảo hộ khi vệ sinh bể hoặc xử lý nước bẩn. Bên cạnh đó, không chạm tay trần vào nước bẩn, đặc biệt khi da có vết xước, tổn thương hở.
Đi ra sau nhà, bé 15 tuổi bị rắn tre cắn vào gót chân
Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa tiếp nhận, điều trị kịp thời cứu sống bệnh nhi N.T.T.A (15 tuổi) trong tình trạng sưng nề, bầm tím xung quanh, rối loạn đông máu do bị rắn tre cắn.
Qua khai thác thông tin, bệnh nhi đi ra sau nhà thì bị rắn tre cắn vào gót chân trái. Mặc dù, gia đình xử trí đưa bệnh nhi đi đắp lá nhưng triệu chứng sưng đau tăng dần. Sau đó, gia đình đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi sưng nề, rối loạn đông máu và bầm tím xung quanh vết rắn cắn. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, bất động, băng ép, vệ sinh, sát khuẩn tại chỗ vết cắn, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn lục tre theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng bệnh nhi được cải thiện rõ rệt, các chỉ số xét nghiệm ổn định dần, tại chỗ tổn thương cũng tiến triển tốt hơn. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi được ra viện.
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hàng năm tiếp nhận nhiều bệnh nhân với tình trạng rất nặng ngộ độc cấp do rắn độc cắn với nhiều loại rắn khác nhau (rắn hổ, rắn lục, rắn cạp nia) xảy ra rải rác các tháng trong năm.
Để thuận lợi cho việc điều trị, người bệnh cần truyền huyết thanh kháng nọc rắn (thuốc giải độc nọc rắn) nhằm giảm các biến chứng do độc tố của rắn.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa được biết đến thuốc huyết thanh kháng nọc rắn nên sử dụng các thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.
Do đó, khi vào viện tình trạng đã rất nặng với nhiều biến chứng, gây khó khăn cho quá trình điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí. Đặc biệt, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nguy hiểm tử vong trong một thời gian ngắn.
Bác sĩ khuyến cáo khi xác định được loại rắn, trong bất kì trường hợp rắn thường hay rắn độc, nạn nhân cũng phải giữ được bình tĩnh. Tránh hoảng sợ, cử động chân tay, nhất là ở vùng bị rắn cắn vì chất độc có thể đi vào cơ thể và lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, nạn nhân cần áp dụng biện pháp băng ép bất động đối với một số loài rắn hổ và không băng ép khi bị rắn lục cắn. Đồng thời, cởi bỏ trang sức ở tay, chân nơi bị cắn để không chèn ép làm phù nề. Khi sơ cứu xong, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tránh bỏ lỡ thời gian vàng làm ảnh hưởng đến tính mạng.