Nguyên nhân khiến bé 7 tuổi bị hoại tử da đầu
Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, các bác sĩ vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 7 tuổi bị hoại tử da đầu do nấm bội nhiễm
Trước đó, bệnh nhi 7 tuổi ở Phú Thọ khởi phát từ những khối sưng đỏ, đau nhức ở vùng chẩm, các ổ áp xe dần phát triển, tự vỡ mủ và hoại tử da đầu. Gia đình tự điều trị kháng sinh tại chỗ nhưng không hiệu quả, khiến tình trạng ngày càng nặng thêm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhi được chẩn đoán: đa ổ áp xe vùng chẩm do nấm bội nhiễm dẫn đến hoại tử da đầu. Các ổ áp xe có kích thước từ 1cm đến 4x4cm, nhiều ổ đã vỡ mủ và đóng vảy.
Với tình trạng hoại tử da gây khuyết hổng phần mềm kích thước lớn lộ xương không có khả năng khâu trực tiếp, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện phẫu thuật chuyển vạt da để che phủ tổn thương, đảm bảo phục hồi không chỉ về mặt sức khỏe mà còn yếu tố thẩm mỹ, đặc biệt quan trọng với bệnh nhi nữ.
Đây là một ca bệnh phức tạp nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và chuyên môn cao, bệnh nhi đang hồi phục tốt, trở lại cuộc sống bình thường với diện mạo lành lặn.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bậc cha mẹ không nên chủ quan với những triệu chứng bất thường của con trẻ và không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế sớm để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc.
Đi cấp cứu sau 15 phút được người nhà tiêm thuốc
Theo VietNamNet, người phụ nữ 54 tuổi ở xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) được đưa vào Trung tâm y tế huyện Tân Sơn cấp cứu trong tình trạng tức ngực, kích động.
Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà có chuyên môn y tế tiêm 1 lọ thuốc Neutrivit 5000mg vào vùng bắp tay. Sau tiêm, bà đau nhức, căng tức vùng cánh tay phải, tức ngực, khó thở, choáng váng đầu óc, buồn nôn, nôn nhiều lần ra thức ăn lẫn dịch dạ dày.
Tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh nhân bị tình trạng kích động, sưng nề căng cứng vùng bắp tay phải lan lên cổ ngực và lan xuống bàn tay, mất vận động và cảm giác các ngón tay cùng bên.
Các bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm có nhiều chỉ số bất thường, bao gồm tình trạng tiêu cơ vân cấp. Bà được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch, lợi tiểu...
Hiện tại, tay phải bệnh nhân đã đỡ sưng nề, bớt đau nhức. Người bệnh vẫn cần tiếp tục điều trị thêm cho đến khi các chỉ số xét nghiệm về giới hạn bình thường.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo khi người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hãy đến địa chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn và đáng tin cậy để được chăm sóc sức khỏe an toàn và tốt nhất.
Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như: ống tiêm, kim tiêm, kim truyền thì phải có bộ dây truyền và vô trùng. Người tiêm thuốc không thông thạo cách tiêm có thể gây ra tai biến như tiêm tĩnh mạch calcium clorid phải tiêm thật chậm, tiêm thuốc không đúng chỗ sẽ làm thương tổn dây thần kinh.
Thuốc tiêm có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì rất tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính.
Bình Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh sởi
VOV đưa tin, ngày 28/11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận, địa phương đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên có liên quan đến bệnh sởi, tuy nhiên, chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh. Ca tử vong có liên quan đến bệnh sởi là một bé gái 13 tháng tuổi, ngụ tại ấp Bàu Khai (xã An Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương)
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 21/10, bé gái bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt và được gia đình đưa đi khám tại một bệnh viện tư nhân ở TP.Thủ Dầu Một. Tại đây, bé được chẩn đoán sốt siêu vi và được kê đơn thuốc về nhà điều trị. Sau đó, bé giảm sốt và bắt đầu ăn uống bình thường.
Đến ngày, 25/10, bé tiếp tục sốt và được gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện tư khác cũng ở TP.Thủ Dầu Một. Ngày 31/10, gia đình xin chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị.
Mặc dù được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, điều trị nhưng tình trạng bệnh của bé ngày càng diễn biến xấu và đã tử vong vào ngày 11/11. Kết quả chẩn đoán bé tử vong do bệnh sởi kèm theo suy gan cấp, bệnh não gan độ 3, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, bệnh nhi tử vong trước đó đã được tiêm ngừa 2 mũi phòng bệnh sởi.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã phối hợp với địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa xác định được nguồn lây và chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh sởi nào khác tại các địa điểm mà bé đã đến.
Ngành y tế yêu cầu các trường hợp tiếp xúc gần theo dõi sức khỏe, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho trạm y tế để được hướng dẫn kịp thời. Đối với địa phương nơi bé sinh sống cũng hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh và tiêm ngừa sởi.
Theo thống kê mới nhất, số ca mắc bệnh sởi tại tỉnh đã tăng đột biến. Trung bình mỗi tuần, tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 40 ca bệnh sởi được xác định dương tính.
Bình Dương hiện đang nằm trong top 11 tỉnh, thành phố có số ca nghi ngờ và mắc bệnh sởi cao nhất cả nước. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế Bình Dương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Cụ thể như tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng; tổ chức các đợt tiêm chủng bổ sung và tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em dưới 10 tuổi tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.
Ngành cũng tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ về nguy cơ của bệnh sởi, tầm quan trọng của việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa.
Toàn tỉnh hiện có hơn 85.000 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vắc vaccine sởi, trong đó có 7.626 trẻ từ 1 - 2 tuổi, 25.953 trẻ từ 2 đến dưới 6 tuổi, 51.046 trẻ từ 6 đến 10 tuổi và số còn lại là trẻ ngoài cộng đồng. Tỷ lệ trẻ tiêm vaccine sởi của tỉnh đạt hơn 90% so với tổng số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.