Theo Người Lao Động, Human metapneumovirus (HMPV) là một căn bệnh về đường hô hấp gây ra các triệu chứng giống cúm hoặc cảm lạnh, song làm tăng nguy cơ hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
HMPV cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo Guardian, virus này xuất hiện ít nhất từ năm 2001 khi lần đầu được phát hiện ở Hà Lan. Các đợt bùng phát tập trung vào các mùa lạnh.
Số ca bệnh đang gia tăng ở miền Bắc Trung Quốc, đặc biệt ở trẻ em. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa về sức khỏe và vệ sinh, song bác bỏ thông tin bệnh viện quá tải và nguy cơ bùng phát đại dịch COVID-19 thứ hai.
“Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có xu hướng đạt đỉnh vào mùa đông” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết - “Các căn bệnh dường như ít nghiêm trọng hơn và lây lan với quy mô nhỏ hơn so với năm trước".
Các chuyên gia nhận định số ca bệnh gia tăng một phần có thể là do công nghệ mới giúp dễ dàng phát hiện và xác định ca mắc HMPV hơn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Jacqueline Stephens - giảng viên cao cấp về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Flinders ở Australia - cho rằng công chúng đang có xu hướng thận trọng hơn với tin tức về các đợt bùng phát. “Mọi người đều cảnh giác cao độ và nghe thuật ngữ metapneumovirus ở người có vẻ hơi đáng sợ” - ông nói.
Theo VOV, các nhà nghiên cứu cũng ước tính khoảng 10% đến 12% bệnh hô hấp ở trẻ em là do HMPV. Hầu hết trường hợp đều nhẹ, nhưng khoảng 5% đến 16% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi. Bạn có thể mắc lại HMPV, nhưng các triệu chứng thường nhẹ sau lần nhiễm đầu tiên.
Giống như nhiều loại virus đường hô hấp khác, HMPV có khả năng lây lan qua không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, phát tán các giọt bắn chứa virus vào môi trường xung quanh.
Virus có thể tồn tại trên các bề mặt vật dụng trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt ở nhiệt độ phòng. Do đó, việc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus rồi vô tình chạm vào mắt, mũi, miệng cũng là một con đường lây nhiễm phổ biến. Tiếp xúc gần với người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Virus HMPV có thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày. Các triệu chứng của HMPV phổ biến gồm ho, sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, khó thở, thở khò khè, phát ban. HMPV đôi khi cũng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi người bệnh phải nhập viện điều trị như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, bùng phát cơn hen suyễn hoặc COPD, nhiễm trùng tai.
Vì vậy, người nhiễm HMPV vẫn có thể điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc thông mũi, giảm ho. Đối với trẻ em cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu có các triệu chứng: sốt cao (trên 40 độ C); khó thở; da, môi hoặc móng tay tím tái cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị.
Phòng ngừa HMPV như thế nào?
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi, đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn.
- Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay áo. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay ngay lập tức.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch, vì đây là những con đường lây nhiễm virus phổ biến.
- Thường xuyên lau chùi và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, chẳng hạn như tay nắm cửa, điện thoại, bàn phím và đồ chơi.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sổ mũi hoặc sốt.
- Nếu bạn có triệu chứng của bệnh đường hô hấp, hãy ở nhà và nghỉ ngơi để tránh lây lan virus cho người khác.
- Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, hãy hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi không gian kín và kém thông thoáng.