+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 1/10/2024: Khối u nặng hơn 2kg đè xẹp phổi người phụ nữ

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 1/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Khối u nặng hơn 2kg chiếm đè xẹp phổi người phụ nữ

    Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, cách đây 1 năm, nữ bệnh nhân N.T.L (64 tuổi, ở Thái Nguyên) phát hiện có khối u nhỏ nhưng không khó chịu nên từ chối phẫu thuật. Gần đây, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng dần nhưng vẫn chần chừ không đi khám. Đến khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, sụt 5kg, bệnh nhân mới đến viện.

    Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, kết quả chụp cắt lớp cho thấy, lồng ngực phải của bệnh nhân có khối đặc kích thước 20x15 cm. Khối u này đã đè xẹp phổi, thâm nhiễm trung thất, thành ngực. Bệnh nhân được tiến hành sinh thiết khối u, kết quả giải phẫu bệnh là u xơ đơn độc.

    Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật điều trị khối u. Tuy nhiên, các bác sĩ đánh giá, đây là ca phẫu thuật khó khăn do bệnh nhân gầy yếu, kích thước khối u lớn chiếm gần hết khoang lồng ngực.

    Ca mổ được thực hiện thành công, khối u lấy ra có trọng lượng hơn 2kg. Ảnh: Lao Động

    Ca mổ được thực hiện thành công, khối u lấy ra có trọng lượng hơn 2kg. Ảnh: Lao Động

    Theo TS.BS Phan Lê Thắng - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ekip phẫu thuật đã hội chẩn tính toán kỹ lưỡng trước mổ vì các thao tác phẫu thuật phải thực hiện trong trường mổ vô cùng chật hẹp. Khối u giàu mạch nuôi nên phẫu thuật viên phải phẫu tích tỉ mỉ, tìm và khống chế nguồn nuôi để đảm bảo an toàn cuộc mổ và hạn chế mất máu cho bệnh nhân.

    Kết quả, ca mổ được thực hiện thành công, khối u lấy ra có trọng lượng hơn 2kg. Trong mổ, bệnh nhân không phải truyền thêm máu dự trù. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục tốt. Bệnh nhân đã được cho ra viện.

    Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, u xơ đơn độc màng phổi là một loại khối u hiếm gặp, phát sinh từ tế bào trung mô của màng phổi. Phần lớn u xơ đơn độc màng phổi là lành tính, có khoảng 12-22% trường hợp có thể trở thành ác tính.

    Triệu chứng u xơ đơn độc màng phổi thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện khi khối u lớn, gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở, đau ngực hoặc ho kéo dài.

    Các thăm dò hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, u xơ đơn độc màng phổi thường xuất hiện dưới dạng khối mờ, đơn độc trên X-quang hoặc CT ngực. Sinh thiết khối u làm giải phẫu bệnh có vai trò quan trọng, thường được tiến hành trước khi điều trị giúp xác định chính xác bản chất của khối u.

    Phẫu thuật đóng vai trò quyết định trong việc điều trị u xơ đơn độc màng phổi vì đây là phương pháp duy nhất giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và giảm nguy cơ tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối u mang lại tiên lượng tốt và tỷ lệ sống cao cho bệnh nhân.

    Người đàn ông bị ong đốt hơn 30 vết

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) mới đây tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân bị dị ứng do ong đốt. Cụ thể, người đàn ông 32 tuổi ở Quảng Ninh vô tình đụng trúng tổ ong khi dọn vườn, bị đàn ong bâu kín người.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cả người sưng nề, đau nhiều, mẩn ngứa vùng cổ, hai cánh tay và bàn tay. Trên cơ thể bệnh nhân có hơn 30 vết ong đốt.

    Tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng do ong đốt. Người bệnh được tiêm thuốc chống dị ứng, truyền dịch, giảm đau và theo dõi sát sức khỏe. Sau một ngày, bệnh nhân đã đỡ đau tại các vị trí bị ong đốt.

    Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng do ong đốt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng do ong đốt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Bác sĩ Bùi Thị Ngọc ở khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc đưa ra các biện pháp phòng tránh ong đốt như sau:

    - Tránh tiếp xúc với ong và không chọc phá tổ ong.

    - Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa).

    - Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ. Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ.

    - Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

    - Khi bị ong đốt ngoài việc xử trí vết thương, người bị ong đốt cần được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính khác vì gây nguy hiểm đến tính mạng.

    Nếu bạn bị ong đốt ở vùng đầu, mặt, cổ và xác định được loài ong đốt như ong rừng, ong vò vẽ,... (loại ong có nọc độc mạnh, có khả năng gây ra nhiều biến chứng toàn thân) và xuất hiện khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu,… cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan khi bị ong đốt.

    Cứu sống người đàn ông suy hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng nặng

    VTV Times đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) vừa cứu sống một bệnh nhân bị suy hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng tràn dịch đa màng, xơ gan rượu, suy kiệt đe dọa tính mạng.

    Cụ thê,r ngày 20/9, khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (67 tuổi, trú tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng khó thở nhiều. Bệnh nhân có tiền sử suy tim, xơ gan rượu, trước đó bệnh nhân đã điều trị tại cơ sở y tế.

    Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đơn nguyên cấp cứu lưu đã nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân. Đồng thời, chuyển bệnh nhân sang khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc để cấp cứu, xử trí tiếp.

    Khi vào khoa, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, môi, chi tím nhiều, vã mồ hôi, khó thở nhanh nông, tim nhịp nhanh không đều, phổi thông khí phế nang kém, hội chứng 3 giảm 2 phổi. Kết quả các chỉ số đều ở mức báo động, khí máu: toan chuyển hóa nặng, tràn dịch đa màng, suy thận, suy gan, suy tim, viêm phổi, dịch màng phổi, dịch màng tim, dịch ổ bụng.

    Trước tình hình đó, các y, bác sĩ tại khoa xác định đây là ca lâm sàng rất nặng, đe dọa tử vong rất cao. Hội chẩn khẩn trương giữa Ban Giám đốc cùng hội chẩn qua Telehealth bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn.

    Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: VTV Times

    Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: VTV Times

    Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, catheter tĩnh mạch trung tâm, vận mạch liều cao, kháng sinh phối hợp, lợi tiểu, chọc hút dịch màng phổi, theo dõi nước tiểu nhưng trong vòng 20 giờ không thấy có nước tiểu. Nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ quyết định đưa ra phương án lọc máu thận cấp cứu. Sau 3 giờ lọc máu cấp cứu, bệnh nhân đã có nước tiểu trở lại.

    Các bác sĩ tiếp tục tích cực bám sát và theo dõi từng chi tiết diễn biến nhỏ của bệnh nhân, cùng phác đồ điều trị tích cực. Những ngày tiếp theo bệnh nhân đã tiểu tốt qua sonde, huyết động dần ổn định, bỏ vận mạch và được cai thở máy sau 4 ngày.

    Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, thở oxy kính, ăn bằng đường miệng, nói chuyện tốt.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-1-10-2024-khoi-u-nang-hon-2kg-e-xep-phoi-nguoi-phu-nu-a469035.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan