Nhẹ dạ cả tin, người phụ nữ 2 lần “sập bẫy lừa”
Theo thông tin trên VietNamNet, chị Gabriella Kranyik (46 tuổi) sống cùng con gái 18 tuổi ở phía Tây Bắc London (Anh). Chị sử dụng ứng dụng hẹn hò để tìm bạn trai và quen được một thanh niên, tự nhận là Gabriel. Sau 2 tuần trò chuyện, chị cảm thấy quý mến và tin tưởng thanh niên này.
Sau đó, chị bị anh ta dụ dỗ tham gia đầu tư trên mạng để kiếm lời. Chị đã chuyển 2 lần, tổng cộng khoảng 2.100 bảng Anh (gần 70 triệu đồng). Chị nhận được thông báo khoản đầu tư của chị đã tạo ra lợi nhuận hơn 39.000 bảng Anh (hơn 1,2 tỷ đồng).
"Tôi nghĩ thật khó tin nhưng Gabriel đã trấn an tôi và nói hãy cố gắng lấy hết số tiền đó", chị chia sẻ. Nghe lời anh ta, chị làm thủ tục theo hướng dẫn để lấy tiền. Đầu tiên, phía bên đầu tư thông báo chị phải đóng thuế đúng hạn, nếu không sẽ bị tính phí trả chậm. Chị cảm thấy áp lực vì phải đóng tiền trong 3 ngày. Lúc này, Gabriel tiếp tục động viên nên người phụ nữ quyết định vay tiền bạn bè, người thân để đóng.
Sau khi đóng tiền thuế, chị lại nhận được thông báo tiền sẽ chuyển về tài khoản sau 12 giờ nhưng lệnh chuyển tiền bị lỗi. Họ nói chị phải đóng tiếp một khoản gọi là phí rút tiền. Chị vẫn tin và đóng tiền bình thường.
Người phụ nữ chỉ phát hiện ra đó là một vụ lừa đảo khi tiếp tục nhận thông báo đóng tiền khác. Chị liên lạc với Gabriel nhưng anh ta đã biến mất. Tổng số tiền chị bị lừa trong vụ việc này lên đến 10.000 bảng Anh (hơn 329 triệu đồng).
"Tôi không thể tin nổi điều này lại xảy ra với mình. Tôi lo lắng không biết làm thế nào để có tiền trả nợ bạn bè, người thân", chị tâm sự.
Gabriella Kranyik loay hoay tìm thêm việc trên mạng nhưng chị không ngờ mình lại dính vào một vụ lừa đảo khác. Chị tìm thấy việc chỉ cần đặt cọc trước, hoàn thành nhiệm vụ được giao là sẽ nhận được cả gốc lẫn lãi.
Lần đầu, chị đưa 50 bảng Anh (hơn 1,6 triệu đồng) và nhận về 80 bảng Anh (hơn 2,6 triệu đồng) sau khi làm xong việc. Chị tin đây là công việc nghiêm túc nhưng không biết đó chỉ là "mồi nhử".
Tổng số tiền chị chuyển đi cứ tăng dần nhưng đến một ngày chị không thể lấy lại nữa. Chị nhận ra mình đã bị lừa và mất hơn 7.000 bảng Anh (hơn 230 triệu đồng). "Một lần nữa, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, tội lỗi. Tôi đã ngu ngốc đầu tư hết tiền của mình", chị bộc bạch.
Với người phụ nữ, đây là một bài học nhớ đời. Chị chia sẻ câu chuyện của mình hôm 25/9 và nhận được nhiều sự quan tâm. Chị muốn nói ra hết mọi chuyện để không ai trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo đó nữa.
Nhiễm trùng nặng do sỏi thận trái kẹt gây ứ mủ thận
Báo Phú Yên dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết, sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng do sỏi thận trái kẹt gây ứ mủ thận đã ổn định sức khỏe.
Trước đó, ngày 20/9, bệnh nhân L.T.T (75 tuổi, ở Tây Hòa) nhập viện trong tình trạng sốt và đau hông - lưng. Thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm khuẩn niệu, thận ứ mủ do sỏi thận (bệnh nhân bị đau hông - lưng hàng tuần trước khi nhập viện).
Sau khi giải thích với gia đình người bệnh về mức độ nguy hiểm của bệnh và những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu, dẫn lưu mủ và lấy sỏi. Sau mổ, tình trạng dần ổn định, bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại tiết niệu để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tôn Hoàng - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, thận ứ mủ do sỏi gây nhiễm khuẩn có thể dẫn đến tình trạng choáng rất nặng. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp bệnh nhân L.T.T, việc xử trí cấp cứu kịp thời đã đem lại kết quả tốt.
Trong các bệnh thận - tiết niệu - sinh dục, số người mắc bệnh sỏi tiết niệu chiếm tỷ lệ cao. Thực tế là nhiều người chưa hiểu về bệnh sỏi tiết niệu nên chủ quan. Khi biết mình mắc bệnh sỏi tiết niệu, một số người tự uống thuốc nam hoặc các thảo dược khác và cho rằng sỏi sẽ bị đào thải ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàng khẳng định: “Điều đó là sai! Uống thuốc nam không giải quyết được vấn đề sỏi, thậm chí còn làm cho thận bị ứ nước và gây ra tổn thương thận. Bệnh thận tiến triển âm thầm, không triệu chứng, và bệnh cảnh cuối cùng là hư thận”.
Khi cơ thể có những triệu chứng bất thường, người dân hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 28/9, thông tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn.
Cụ thể, trường hợp tử vong là bà T.T.H.H (49 tuổi, ngụ Phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Theo lời người nhà bệnh nhân, ngày 20/9, bà H. có triệu chứng sốt cao liên tục, kèm đau đầu. Người thân cho bà H uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm.
Sau đó, bà H. được người thân đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, thị xã Buôn Hồ. Ngày 22/9, bà H. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột) điều trị với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 3, có dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan, tăng huyết áp, viêm dạ dày.
Ngày 23/9, bà H. được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 4, tổn thương gan nặng. Ngày 24/9, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM).
Ngày 27/9, do tình trạng bệnh nặng, gia đình xin đưa bà H. về nhà. Rạng sáng 28/9, bà H. tử vong.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.
CDC Đắk Lắk cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ triển khai phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại khu vực phường An Lạc và phường An Bình.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk có 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.