Đề xuất tăng giá vé xe buýt Hà Nội lên cao nhất 20 nghìn đồng/lượt
Theo Tiền phong, Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP.Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt (tuyến có trợ giá ngân sách) trên địa bàn thành phố. Theo đó mức tăng dao động từ 10 % đến 55%.
Cụ thể, theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng (tăng 14%); từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng; và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng (tăng 55%).
Với vé tháng, mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Với các đối tượng như chính sách, người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, tờ trình của Sở GTVT Hà Nội đề xuất tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt như hiện nay.
Thuyết minh cho đề xuất trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, từ năm 2014 đến nay (9 năm) thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014.
So với 9 năm về trước thì hiện mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến trợ giá phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách.
Cùng với đó, việc tăng vé xe buýt này cũng nhằm giảm mức trợ giá của thành phố, vì thực tế các năm qua, do giá vé xe buýt thấp nên thành phố luôn phải tăng trợ giá năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, còn năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng có giảm nhưng không nhiều.
Cá thể vích lần thứ tư quay lại bờ biển Bình Định đẻ 100 trứng
Công an nhân dân cho hay, khoảng 0h10 ngày 26/6, cá thể rùa biển (vích) dài 0,94m, ngang 0,86m, nặng hơn 90kg được bấm thẻ với số hiệu VN1078 đã quay lại bãi biển Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đẻ ổ trứng thứ 4 với khoảng 100 trứng.
Theo Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, lần này cá thể vích đẻ cách mép nước khoảng 13m nên không di dời ổ trứng mà giữ nguyên vị trí nhằm đảm bảo tỷ lệ nở đạt mức cao nhất.
Được biết, cá thể rùa biển nói trên đã đẻ tổng cộng 4 ổ với khoảng 400 trứng trong vòng hơn 1 tháng gồm ngày 21/5 (103 trứng), 2/6 (102 trứng), 13/6 (99 trứng) và rạng sáng 26/6 (khoảng 100 trứng).
Hiện tượng rùa biển liên tiếp đẻ trứng tại Nhơn Hải khiến cả cộng đồng, du khách, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ từng hỗ trợ các hoạt động bảo tồn biển và đa dạng sinh học tại Nhơn Hải... hết sức vui mừng. Dự kiến ổ trứng đầu tiên sẽ nở vào ngày 21/7.
Bốn tuyến quốc lộ qua Cao Bằng sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài
Sở GTVT Cao Bằng cho biết trên tạp chí Giao thông vận tải, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT Cao Bằng quản lý xảy ra sạt lở đất, đá (taluy dương, taluy âm) ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông trên tuyến.
Theo thống kê, đối với tuyến QL34, sạt lở taluy dương lớn hơn 500m3 có 2 vị trí tại Km134+900 và Km154+120, lún nứt mặt đường tại Km161+202. Sạt lở taluy âm khối lượng sạt lở 42m3 trên 3 vị trí tại Km88+360, Km105+550 và Km138+970.
Trên QL4A, sạt lở taluy dương hơn 500m3 trên 12 vị trí. Tại QL34B khối lượng sạt lở taluy âm là 16m3 thuộc 2 vị trí là Km35+700 và Km45+250 và trên QL4C khối lượng sạt lở taluy dương là 17m3 thuộc 2 vị trí…
Hiện nay, Sở GTVT đang đôn đốc chỉ đạo các đơn vị trực 24/24h để đảm bảo giao thông thông suốt sau mưa.
Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ và các nhà thầu tích cực huy động nhân lực, máy móc, thiết bị hót dọn đất đá sụt để đảm bảo thông tuyến, đồng thời lập hàng rào cảnh báo, đảm bảo giao thông; tập trung cưa, chặt, thu dọn cây đổ, di chuyển ra khỏi phạm vi mặt đường; tổ chức trực bão lũ và chỉ đạo các đơn vị cử nhân công trực gác các vị trí sạt lở lớn có nguy cơ tắc đường và các vị trí ngập úng để hướng dẫn giao thông và đảm bảo giao thông kịp thời.