11 nhà máy thủy điện dừng phát điện
Theo Tri thức trực tuyến, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước. Theo đó, cơ quan này cho biết lưu lượng nước về các hồ tăng nhẹ so với ngày 7/6 nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Hiện, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy.
Cụ thể, có 9 hồ thủy điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Và 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Tại khu vực miền Bắc, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ Lai Châu: 102 m3/s; Hồ Sơn La: 118 m3/s; Hồ Hòa Bình: 311 m3/s; Hồ Thác Bà: 76m3/s; Hồ Tuyên Quang: 110 m3/s; Hồ Bản Chát: 11 m3/s. Trừ hồ Hòa Bình, mực nước các hồ ở mực nước chết.
Tương tự, tại khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ thủy điện lưu lượng nước cũng về hồ thấp, giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Chẳng hạn: Hồ Trung Sơn: 81m3/s; Hồ Bản Vẽ: 38 m3/s; Hồ Hủa Na: 45m3/s; Hồ Bình Điền: 7 m3/s; Hồ Hương Điền: 16m3/s.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Việc không thể huy động được nguồn điện từ các thủy điện đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423 MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264 MW.
Lệ phí sát hạch lái xe các loại đồng loạt tăng giá từ ngày 1/8
Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Thông tư 37/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 và thay thế Thông tư 188/2016/TT-BTC.
Theo đó, biểu mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC, phí sát hạch lái xe cơ giới các loại đã tăng so với Thông tư 188/2016/TT-BTC như sau:
Đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4, phí sát hạch lý thuyết sẽ là 60.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ là 40.000 đồng/lần; sát hạch thực hành: 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so mức cũ 50.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F: Sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình: 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông: 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần; sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: 100.000 đồng/lần (mới quy định).
Mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại thông tư này được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý). Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch lái xe phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).
Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (NSNN). Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì được trích để lại 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; nộp 25% số tiền phí thu được vào NSNN.
Trường hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền phí thu được vào NSNN.
Bộ Y tế cảnh báo, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới, Cục ATTP đã ban hành Công văn số 1281/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý ATTP các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động triển khai:
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay.
Các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy ATTP và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Các đơn vị thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất ATTP.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.
Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc.
Phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum. Kiểm soát chất lượng ATTP các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.
Ngoài ra, các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Việt Hương (T/h)