Nữ nhân viên massage tử vong vì bị người đàn ông dùng xăng đốt
Công an tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương điều tra vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người xảy ra tại một cơ sở massage trên địa bàn.
Trước đó, theo Người lao động, vào chiều 31/12/2022, Trần Quốc Khanh (44 tuổi; ngụ phường 3, TP.Bạc Liêu) điều khiển xe máy đến một cơ sở massage ở phường 7, TP.Bạc Liêu gặp nhân viên của cơ sở là chị N.T.H.T (30 tuổi; tỉnh Vĩnh Long) để nói chuyện việc chị này nhờ Khanh mượn tiền giùm, đến nay chưa trả.
Lúc đi, Khanh mang theo chai xăng. Đến nơi, 2 người xảy ra mâu thuẫn do chị T. không đồng ý trả tiền.
Khanh liền lấy chai xăng tạt lên người chị T., sau đó bật hộp quẹt rồi nhào lại chị T. Thấy lửa bốc cháy, Khanh tìm nước để chữa rồi điều khiển xe máy đến bệnh viện.
Đến tối cùng ngày, Khanh đến công an đầu thú. Chị T. được đưa lên bệnh viện ở TP HCM điều trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên nữ nhân viên massage đã tử vong vào ngày 3/1.
69 bến thủy nội địa chưa cấp phép ở TP.HCM vẫn đang hoạt động
Thông tin về 69 bến thủy nội địa chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động được Thanh tra Sở GTVT TP.HCM báo cáo sau khi tiến hành kiểm tra, liên ngành.
Trong 69 bến này TP.Thủ Đức có 11 bến, quận 7 có 3 bến, quận 8 có 7 bến, huyện Nhà Bè có 6 bến, huyện Bình Chánh có 27 bến, huyện Cần Giờ có 2 bến, quận 12 có có 2 bến và huyện Củ Chi 1 bến.
Sở GTVT đã đề nghị Công an TP chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi neo đậu xếp dỡ hàng hóa hoặc đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động.
Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm các điều kiện an toàn.
Đặc biệt xử lý nghiêm phương tiện chở quá tải trọng, không chấp hành quy định về báo hiệu đường thủy và quy tắc giao thông.
Đặc biệt, Sở GTVT TP cũng đề nghị Chủ tịch các quận huyện phối hợp với Công an TP và Sở GTVT để kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Đối với việc bến thủy nội địa chưa cấp phép nhưng vẫn hoạt động, đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Sở và đoàn liên ngành tuần tra đã phát hiện 69 bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động.
Theo quy định, địa phương - công an và UBND các quận huyện sẽ là đơn vị xử phạt nếu phát hiện các trường hợp vi phạm. Sở đã công bố danh sách, gửi danh sách này tới các địa phương để kịp thời xử lý.
Việc cấp phép cho các bến thủy được hoạt động là do Sở GTVT cấp. Tuy nhiên, công tác cấp phép phụ thuộc vào quy hoạch của các quận huyện. Hiện đa số bến thủy nội địa không phép đều không có trong quy hoạch nên không thể cấp phép hoạt động được.
Trước đó, vào tháng 6/2022, Sở GTVT cũng công bố có 34 bến thủy nội địa hoạt động không phép. Các bến thủy nội địa này có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Đồng thời, các bến thủy này cũng gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh đối với các cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Chèo thuyền ra đập thuỷ lợi cho cá ăn, hai anh em tử vong
Huyện ủy Đắk Tô (tỉnh Kon Tum), cho biết trên Giáo dục thời đại, đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của 2 anh em ruột.
Theo thông tin ban đầu, chiều 1/1, hai anh em A L. (21 tuổi) và A Đ. (18 tuổi, cùng ngụ xã Chư Hreng, TP Kon Tum) chèo thuyền ra đập thủy lợi Đắk Rơ Ngát (huyện Đắk Tô) để cho cá ăn. Sau đó thuyền lật khiến cả hai rơi xuống nước mất tích.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an tỉnh Kon Tum, Đội Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn huyện Đăk Hà, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đăk Tô phối hợp với UBND xã Tân Cảnh tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên do lòng hồ rộng, nước sâu nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Đến sáng 5/1, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của hai anh em.
Được biết, cả hai nạn nhân chăn nuôi cá thuê cho ông Lê Văn H. (ngụ huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) tại đập thủy lợi Đăk Rơ Ngát. Hai anh em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ.
Việt Hương (T/h)