Đề xuất bỏ xét nghiệm trước xuất cảnh, bớt rào cản để hút khách quốc tế
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tiếp tục đề xuất cải thiện một số rào cản kỹ thuật nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Thông tin trên Tiền phong, ngày 6/5, Ban IV báo cáo Thủ tướng về một số thách thức, rào cản kỹ thuật trong quá trình triển khai đón khách quốc tế, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa du lịch quốc tế.
Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế.
Nhằm giảm thiểu các rào cản đối với du khách quốc tế, Ban IV đề nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid”.
Chính sách miễn thị thực là một trong những rào cản đối với du lịch Việt Nam trong thu hút khách quốc tế, vì vậy Ban IV nêu: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng: mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Ban VI cũng đề xuất tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn; giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu.
Khai trương Trung tâm báo chí SEA Games 31
Ngày 9/5 tại Hà Nội, Ban tổ chức SEA Games 31 đã tổ chức lễ khai trương trung tâm báo chí đồng thời tiến hành hội nghị truyền thông quốc tế lần hai của Đại hội.
Được bố trí tập trung tại tầng 3 cánh đông, tây của tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc gia với diện tích 2.000m2; có kết cấu phân khu hợp lý, tổ chức giao thông khoa học, Trung tâm báo chí SEA Games 31 có đủ không gian phục vụ cho khoảng 300 người, có khu vực làm việc cho lãnh đạo và đội ngũ nhân viên hỗ trợ ở cuối phòng.
Tại trung tâm truyền hình, Ban tổ chức đã chia thành các khu riêng nhỏ có diện tích khoảng 55m2. Đây là khu vực dành cho các hãng truyền hình trong và ngoài nước.Trung tâm báo chí sẵn sàng chờ đón SEA Games 31. Trong đó, bao gồm các gian tổng khống chế, sản xuất, trường quay, phòng điều hành, gian Tcho các hãng truyền hình đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines.
Ngay sau lễ khai trương Trung tâm báo chí, đã diễn ra hội nghị truyền thông quốc tế lần 2 của SEA Games 31.
1 người tử vong, hàng chục hecta hoa màu thiệt hại do mưa lớn kèm dông lốc
Mưa lớn kèm dông, lốc, sét ngày 8/5 đã làm 1 người tử vong, hàng chục hecta (ha) hoa màu bị ngập úng tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nạn nhân tử vong do sét đánh là chị Giàng Thị Trừ, sinh năm 1991, trú tại thôn Vàng Chua, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Tại Hà Giang, mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại một số xã, thị trấn như Thượng Bình, Kim Ngọc, Tân Lập, Đồng Tiến, Bằng Hành huyện Bắc Quang gây thiệt hại: 13,7ha lúa và hoa màu; 02 con trâu bị lũ cuốn trôi.
Tại Tuyên Quan, mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại thị trấn Lăng Can huyện Lâm Bình gây thiệt hại: 70ha lúa, hoa màu và 2000m2 ao nuôi thủy sản bị ngập, hư hại; sạt lở 1000m3 taluy dương tuyến đường giao thông liên xã; ngập 02 điểm trường gây hư hỏng thiết bị của các phòng học tại tầng 1; sạt lở một số kè, mương thủy lợi ven suối.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi và huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các cấp ngành chức năng tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó;
Chỉ đạo các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Đồng thời, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; cử đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Việt Hương (T/h)