+Aa-
    Zalo

    Tiếp tục tranh luận việc tích hợp hay “đứng riêng” môn lịch sử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù Bộ GD – ĐT đã trả lời rõ ràng về việc tích hợp nhưng dường như những ý kiến này vẫn phản bác một cách gay gắt và chưa có hồi kết.

    Mặc dù Bộ GD – ĐT đã trả lời rõ ràng về việc tích hợp nhưng dường như những ý kiến này vẫn phản bác một cách gay gắt và chưa có hồi kết.

    Thay vì bàn thảo làm thế nào để việc dạy và học có hiệu quả hơn trong thời gian tới thì tại hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” được Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15/11 lại là cuộc tranh luận gay gắt về việc tích hợp và vị trí môn này. Mặc dù Bộ GD – ĐT đã trả lời rõ ràng về việc tích hợp nhưng dường như những ý kiến này vẫn phản bác một cách gay gắt và chưa có hồi kết.

    Những xung đột chưa thể giải quyết

    Là khách mời của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đề nghị hội thảo tập trung vào vấn đề đổi mới như thế nào cho hiệu quả nhất hơn là nói về vai trò vị trí của môn Lịch sử. Nếu làm tốt được điều này, môn lịch sử sẽ xứng tầm với vị trí vốn có.


    Tuy nhiên, các nhà lịch sử lại không có chung quan điểm này. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, dù Bộ GD- ĐT có giải thích thế nào, thì trên thực tế, việc tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn Công dân với tổ quốc” cũng đã “khai tử”, “xóa bỏ” môn lịch sử. Khi một kiến thức lịch sử bị cắt bỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác thì môn lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó.

    “Mọi người lo lắng rất chính đáng là khi trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước của cha ông… thì làm sao viết tiếp được những trang sử xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay và mai sau?”, GS Phan Huy Lê bày tỏ.

    GS Vũ Dương Ninh, ĐH quốc gia Hà Nội cũng lo lắng, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn lịch sử hoặc loại bỏ môn sử. Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn sử và một vài môn khác đã bị đẩy lùi dần và đến nay thì nó mất tên chính danh trong chương trình THPT. Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn chính thức đối với học sinh chọn ban khoa học xã hội. Có nghĩa là lớp trí thức trẻ tương lai (ngoại trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình.

    GS Ninh cũng liên hệ với thực tế Trung Quốc, môn lịch sử được giảng dạy từ tiểu học đến trung học, giáo dục niềm tự hào chính đáng về truyền thống văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại. Qua đó, môn lịch sử thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới, đồng thời gieo mầm tư tưởng bá quyền, nước lớn với địa vị thượng đẳng giữa các dân tộc, quốc gia. Rất rõ ràng, lịch sử đã thực sự được sử dụng như một vũ khí tinh thần để phục vụ tiến trình “trỗi dậy” của Trung Quốc.

    Cần tôn trọng ý kiến

    Khẳng định lịch sử là một bộ môn khoa học, giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học, PGS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KH XH -NV, ĐHQG HN) cho rằng, người xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng “môn Lịch sử không thể biến thành khoa học Lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu)” quả là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Nếu như giáo dục lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì? Việc coi môn lịch sử không phải khoa học là sự phủ nhận trực tiếp vai trò của môn học này nói riêng và giáo dục lịch sử nói chung, đó là sai lầm rất nghiêm trọng về phương pháp luận, mở đầu cho một loạt những sai làm khác.

    Khẳng định thiết kế chương trình như Bộ GD-ĐT đang làm là “ép duyên”, ghép vá, thiếu cơ sở khoa học, GS Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng có nững vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội, trước hết chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay. Chương trình vừa mới “thai nghén”đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết, trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn “tuổi thọ” của nó có được lâu, bởi giáo dục không thể là nơi thí nghiệm.

    Phản hồi lại ý kiến của các chuyên gia lịch sử, ông Tạ Ngọc Trí, thành viên Bộ phận thường trực Đổi mới Chương trình SGK giáo dục phổ thông cho rằng môn lịch sử không mất đi mà nằm trong một lĩnh vực học tập, cụ thể là lĩnh vực khoa học xã hội, đó là cách sắp xếp do yêu cầu mới. Ý kiến này ngay lập tức gây nên bão đối với các chuyên gia khiến ông Trí không lâu sau đó phải rời hội thảo.

    “Nhiều người buồn bã, thất vọng, chán chường, nhiều người buông xuôi. 500 giáo viên sử THPT đã gửi tin nhắn qua facebook và điện thoại nhờ khẳng định tại hội thảo rằng họ không thể dạy tích hợp môn lịch sử và muốn “trả lại tên cho em” cho môn học này. Bộ GD-ĐT cần tham vấn rộng rãi ý kiến các giáo viên trên toàn quốc”, thầy Đỗ Trung Hiếu, giáo viên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An nói. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nhiều đại biểu chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên nói oan cho Bộ. Ông Hiển cho rằng mọi người cần đọc lại tài liệu sẽ thấy không có chuyện khai tử môn Lịch sử.

    Ông Hiển cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng môn Lịch sử độc lập thì phải bắt buộc, hay bắt buộc học Lịch sử thì phải đưa là môn độc lập. Nhưng ý kiến này lại bị phản đối gay gắt đến mức thái quá. Trước không khí này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phải lên tiếng “cần phải tôn trọng nhau”. Cũng theo ông Hiển, “Bộ rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu tất cả”, ông Hiển nhấn mạnh. Đồng thời, Thứ trưởng Hiển cho rằng, có nhiều người cho rằng cứ phải đứng riêng thì mới hiệu quả thì chúng ta cũng nên cùng nhau suy nghĩ lại. Điều quan trọng mà chúng ta chưa bàn luận ở hội thảo này đó là tác dụng của môn Lịch sử trong mối liên quan đến các môn khác. Với tinh thần cầu thị và khoa học, Bộ GD-ĐT sẵn sàng trao đổi và tiếp thu các góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể tốt nhất.

    Theo baotintuc.vn

    Xem thêm video: 

    [mecloud]xygU8q9ZXE[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiep-tuc-tranh-luan-viec-tich-hop-hay-dung-rieng-mon-lich-su-a119840.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.