(ĐSPL) – 8 tỉnh nằm trong danh sách ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 bao gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Từ 0h ngày 30/12, 8 tỉnh trên đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 (truyền hình analog).
Theo Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 về cơ bản đã rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại 8 tỉnh này, đa số người dân đã xem được truyền hình trên sóng số DVB-T2.
Tiếp tục tắt sóng truyền hình analog tại 8 tỉnh trên cả nước. (Ảnh: Hànộimới) |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có 13 tỉnh, thành phố trên cả nước tắt sóng truyền hình analog. Trước đó, 5 thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình.
Tại cuộc họp kiểm tra, rà soát các công việc trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog tại 8 tỉnh, thành phố, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục đã đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin cho người dân ở 8 tỉnh này và các nhà mạng sẽ thực hiện tin nhắn tối thiểu 3 lần nhắn tin tới người dân.
Cũng theo ông Tuấn, các mặt hàng đầu thu STB, iDTV có nhiều mẫu mã. Cục Viễn thông đã tiếp nhận được 81 công bố hợp quy của các doanh nghiệp về đầu thu giải mã truyền hình kỹ thuật số, có gần 800 bản công bố hợp quy đầu thu truyền hình iDTV.
Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cũng cho biết, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tại 8 tỉnh trên sẽ hoàn thành trước ngày 30/12.
Trước đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích đã hoàn thành hỗ trợ 158.783 bộ đầu thu STB DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc.
Hiện tại, Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng đang thực hiện hỗ trợ tiếp tục cho 79.922 bộ đầu thu STB DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về viễn thông (Luật Viễn thông) 1. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. 2. Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành lạnh trong hoạt động viễn thông. 3. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phân định rõ hoạt động viễn thông công ích và kinh doanh viễn thông; thúc đẩy việc sử dụng Internet trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và nghiên cứu khoa học. 4. Tập trung đầu tư xây dựng, hiện đại hóa mạng viễn thông dùng riêng phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 5. Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông. 6. Tăng cường hợp tác quốc tế về viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |