(ĐSPL) - SCTV bị xử phạt và buộc ngừng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog tại Hà Nội, nhiều khách hàng vỡ lẽ bấy lâu nay dù trả tiền thuê bao nhưng họ vẫn phải dùng truyền hình “lậu”.
Tăng cường công tác quản lý và giám sát chặt lĩnh vực truyền hình trả tiền đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, kinh doanh dịch vụ sai phép của một số doanh nghiệp đang có nguy cơ phá vỡ sự ổn định của thị trường, gây thất thoát, lãng phí cho xã hội.
SCTV sẽ phải ngừng truyền dẫn tín hiệu truyền hình analog từ 1/8 tới đây. |
Từ đầu năm, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp truyền hình trả tiền có “đại bản doanh” đặt tại miền Nam tìm cách “lấn sân” ra ngoài Bắc bằng chiêu lách luật để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog tại một số quận, huyện ở Hà Nội dù không được cấp phép.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, những ngày cuối tháng 6, doanh nghiệp này đã bị xử phạt về những vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện sai giấy phép được cấp và các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động truyền hình trả tiền. Sự việc này đã đánh động những lo ngại trước thực trạng “bát nháo” trong cung cấp dịch vụ, làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng về dịch vụ truyền hình trả tiền.
Khách hàng - nạn nhân bất đắc dĩ
Nhiều ngày nay, một số gia đình tại ngõ 108 dốc Thọ Lão (Hai Bà Trưng – Hà Nội) hoang mang trước thông tin SCTV - đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình mà họ đang sử dụng bị xử phạt vì cung cấp truyền hình cáp analog sai phép. Đăng ký dùng dịch vụ truyền hình HD của nhà cung cấp này cách đây không lâu, anh Nguyễn Tấn Đạt cho biết, gia đình anh được trang bị miễn phí 1 đầu thu HD, nhà có 3 tivi nên 2 chiếc còn lại anh đã đấu vào đường chia tín hiệu truyền hình cáp để xem tại các phòng.
Nay biết thông tin về việc tín hiệu truyền hình xem tại 2 tivi kia là bất hợp pháp, anh tỏ ra rất thất vọng. “Khi đến tiếp thị, họ nói có thể xem tại các tivi khác mà không cần đầu thu, không phải đóng thêm phí nên chúng tôi nối dây để xem. Nay lại có thông tin đó, tôi không nghĩ một đơn vị kinh doanh như SCTV lại có thể làm ăn phi pháp, lừa dối người tiêu dùng”.
Trước sự việc SCTV bị xử phạt và buộc ngừng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog tại Hà Nội, nhiều khách hàng của nhà cung cấp này mới vỡ lẽ bấy lâu nay dù trả tiền thuê bao nhưng họ vẫn phải dùng truyền hình “lậu”.
Cùng chung cảm giác bị “lừa dối”, ông Nguyễn Văn Hiếu (số 27 tổ 60 Tương Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) tỏ ra bất bình bởi đến nay SCTV vẫn chưa có động thái giải thích rõ ràng với gia đình ông. Ông Hiếu bức xúc: “Việc cung cấp tín hiệu truyền hình trái phép của SCTV như vậy thật đáng lên án, khiến cho khách hàng chúng tôi vô tình trở thành người tiêu thụ sản phẩm phạm pháp”.
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Chung (số 1 tổ 60 Tương Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) còn cho rằng: “SCTV không được phép cung cấp tín hiệu mà vẫn cung cấp cho chúng tôi như thế là lừa đảo. Người sử dụng dịch vụ như chúng tôi rất bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người dân.”
Trách nhiệm của nhà cung cấp?
Được biết, theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trước ngày 01/8/2014, SCTV bắt buộc phải chấm dứt việc phát tín hiệu truyền hình cáp analog vào mạng viễn thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có lẽ vì quá tham vọng trong phát triển thị phần, SCTV đã quên đi trách nhiệm của mình đối với khách hàng. SCTV từng tuyên bố, đến ngày 24/6 đã thực hiện xong hơn 90\% số lượng tivi cần chuyển đổi, sẽ chuyển đổi hợp đồng, lắp đặt thiết bị số cho 100\% các hộ đang dùng thuê bao analog tại các khu vực Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Oai.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều khách hàng của SCTV vẫn chưa nhận được thông báo gì từ nhà cung cấp và tỏ ra không “mặn mà” với chính sách chuyển đổi dịch vụ của SCTV, bởi dù trang bị đầu thu miễn phí nhưng họ vẫn phải trả thêm một khoản phí không nhỏ để xem trên nhiều tivi.
Ông Hoàng Văn Hòa, chủ kinh doanh nhà nghỉ tại địa bàn khối Hạnh Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, ông đăng ký lắp đặt 1 đầu thu HD để phục vụ nhu cầu gia đình và lắp truyền hình cáp cho tivi tại các phòng nghỉ để phục vụ khách hàng.
Hàng tháng, SCTV thu 80.000 đ cho dịch vụ HD và 30.000 đ/tivi cho dịch vụ truyền hình cáp. “Qua báo chí tôi mới biết thông tin SCTV phải ngừng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sai phép, thế nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thông báo gì cho chúng tôi cả. Nếu như phải chuyển đổi sang sử dụng đầu thu cho các tivi khác phí truyền hình sẽ tăng lên vài triệu một tháng. Nếu vậy thì việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ” - ông Hòa than thở.
Điều đáng nói hơn, bên cạnh việc chi phí để xem truyền hình bỗng dưng bị đội lên thì đối với người tiêu dùng điều quan trọng hơn cả là sự thất vọng và bất bình khi niềm tin, lựa chọn bị đặt nhầm chỗ.
Có thể thấy rằng, từ sau ngày 1/8/2014, ngay cả khi SCTV chấp hành nghiêm túc việc ngừng phát tín hiệu truyền hình cáp analog vào mạng viễn thông trên địa bàn Hà Nội thì việc cố tình kinh doanh không giấy phép, vi phạm quy định, bất chấp cơ quan chủ quản cùng dư luận là hành vi khó chấp nhận trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Theo kết luận thanh tra công bố ngày 19/6 của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, SCTV buộc phải ngừng truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp analog trên mạng viễn thông Hà Nội trước ngày 1/8. Trước đó, Sở đã tiến hành kiểm tra và kết luận: SCTV cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông, huyện Thanh Oai là vi phạm quy định về phạm vi cung cấp dịch vụ trong Giấy phép cung cấp dịch truyền hình trả tiền số 189/GP-BTTTT (theo giấy phép được cấp, SCTV không được cung cấp dịch vụ truyền hình analog trên địa bàn thành phố Hà Nội). Tại khu vực quận Long Biên, Hai Bà Trưng và các khu vực khác trên địa bàn Hà Nội, SCTV không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog với khách hàng mà chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên hạ tầng mạng viễn thông của các khu vực này vẫn có tín hiệu truyền hình cáp analog của SCTV nên người dân đã sử dụng tín hiệu này. Việc SCTV truyền tín hiệu truyền hình analog vào mạng viễn thông trên địa bàn Hà Nội vi phạm quy định tại Điều 28 và Khoản 1 Điều 29 quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. |