CNN đưa tin, ngày 18/3 (giờ địa phương) Không quân Hoàng gia Anh cho biết các tiêm kích của họ và Đức đã chặn máy bay Nga bay trên biển Baltic, gần không phận Estonia. Sự việc trên xảy ra vào ngày 17/3.
"Biên đội tiêm kích NATO đã cất cánh giám sát nhóm phi cơ Nga gồm máy bay vận tải Tu-134 được hộ tống bởi hai chiến đấu cơ Su-27, cùng một vận tải cơ An-12. Các máy bay Nga khi đó đang hoạt động gần không phận Estonia", không quân Anh cho biết trong thông cáo.
"Cuộc chạm mặt là nhiệm vụ bình thường của tiêm kích Typhoon, cũng là động thái khẳng định Anh và Đức cùng các đồng minh NATO luôn sát cánh với Estonia trong giai đoạn căng thẳng hiện nay", thông cáo có đoạn.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Đây là cuộc chạm mặt thứ hai trong tuần này giữa các tiêm kích của NATO với máy bay Nga, trong quá trình các nước NATO thực hiện nỗ lực giám sát chung trên không ở khu vực.
Trước đó, các máy bay chiến đấu của Anh và Đức cũng đã được lệnh xuất kích để chặn một máy bay của Nga gần không phận Estonia vào ngày 14/3. Sự việc xảy ra chỉ ít giờ sau khi quân đội Mỹ mất một máy bay không người lái (UAV) do thám ở Biển Đen sau cuộc chạm trán với máy bay chiến đấu của Nga.
Phi cơ Nga thường bay gần không phận ba nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva trong hành trình đến và đi từ vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.
Nga và NATO cũng nhiều lần triển khai oanh tạc cơ hoặc trinh sát cơ áp sát không phận của nhau. Máy bay hai bên luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này nhưng thường tiếp cận và giám sát chuyên nghiệp, an toàn.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục công khai kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay quân sự. Kiev cho rằng tiêm kích là vũ khí cần thiết khẩn cấp có thể giúp quân đội Ukraine chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự nhận định các nước thành viên NATO dường như sẽ không gửi cho Ukraine những tiêm kích hiện đại.
Trong khi đó, căng thẳng tại khu vực Baltic leo thang từ giữa năm ngoái do chiến dịch của Nga tại Ukraine, cũng như Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO. Sau khi NATO kết nạp hai quốc gia này, Nga sẽ trở thành nước duy nhất ven biển Baltic không phải thành viên của liên minh.
Hoa Vũ (T/h)