(ĐSPL) – Nhiều thuyền đang di chuyển trên sông đã bị người dân câu cá ném đá khiến lái thuyền bị thương; thuyền bị thủng mái, hư hại nhiều chỗ.
Thông tin trên Vnexpress, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa yêu cầu Công an thành phố điều tra, xử lý một số người câu cá đã ném đá thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Tri thức trực tuyến thông tin thêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Thuyền du lịch đưa khách tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh Vnexpress. |
Ngoài ra, các quận cũng phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn việc câu cá trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tái diễn các sự việc tương tự.
Cũng trong sự việc này, báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Sở Du lịch TP. HCM, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng có một số đối tượng ném đá, chai đựng nước tiểu xuống thuyền du lịch trên kênh này và thuyền du lịch bị vướng vào dây câu của những người câu cá trái phép…
Báo cáo của Sở Du lịch TP cũng cho biết gần đây nhất, vào tối 20/12/2016, ở đoạn sông khu vực Cầu Bông, thuyền chở nhạc công đờn ca tài tử của công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đang di chuyển trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì bị những người dân ăn nhậu, câu cá ở đây lên tiếng chửi bới bằng những từ ngữ thô tục và đuổi theo, ném đá xuống thuyền.
Chưa dừng lại, có đối tượng dùng xe máy chạy trên bờ đuổi theo đến cầu Bùi Hữu Nghĩa. Thuyền chở khách đã chạy kịp và chưa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách. Riêng người lái thuyền bị thương ở chân và thuyền bị thủng mái, hư hại.
Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cụ thể là: "1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tổng hợp