+Aa-
    Zalo

    Thường vụ Quốc hội bàn về thu phí xe máy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sáng 10/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII họp phiên thứ 40 cho ý kiến về Dự án Luật Phí và lệ phí.

    Sáng 10/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII họp phiên thứ 40 cho ý kiến về Dự án Luật Phí và lệ phí.


    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, việc thu phí đường bộ với xe máy có hiệu ứng xã hội quá lớn. Vì vậy, cần sớm có quyết định về việc thu hay không thu loại phí này để thực hiện thống nhất trong cả nước.

    Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Tuy nhiên, trong Dự thảo luật không ghi phí sử dụng đường bộ thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể.

    “Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét theo hướng dừng thu phí đối với xe máy. Về phía Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị xin giữ như Dự thảo luật”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

    Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần phải có sự đổi mới, bởi từ trước đến nay, các vấn đề liên quan đến thu phí, lệ phí của chúng ta còn mù mờ, chưa mạch lạc, rõ ràng.

    “Chúng ta có Luật Ngân sách và Luật Giá thì phải loại ra, cái gì là phí phải đúng tính chất là phí, cái gì là giá thì để là giá. Ví dụ như thu phí đi đường cao tốc của Bộ GTVT đấy là giá hay phí? Đây là giá dịch vụ qua đường để hoàn trả cho nhà đầu tư thì sao người dân lại phải nộp phí? Vì thế, cái gì là phí và lệ phí thì để lại trong luật này, còn lại là giá thì bỏ ra, làm theo Luật Giá sẽ bớt các khoản phí và lệ phí”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

    Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện danh mục phí và lệ phí phải đưa vào Luật, Quốc hội sẽ quản lý danh mục này và quyết định việc có thu hay không thu các loại phí và lệ phí, không ai có quyền thêm bất kì loại phí và lệ phí nào sau khi luật đã ban hành. Còn mức thu phí bao nhiêu sẽ do Chính phủ và HĐND quyết định.

    Tương tự, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội cũng cho rằng chúng ta đang lúng túng trong việc phân biệt phí và giá dịch vụ.

    “Phí và lệ phí bao giờ cũng thấp hơn giá, vì giá sẽ theo cơ chế thị trường còn phí mang tính chất của Nhà nước, không có yếu tố thị trường. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần xác định mức thu phí hợp lý, hợp lý là phù hợp với thu nhập của nhân dân, các nước đều làm như vậy”, bà Trương Thị Mai nói.

    Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu từ nay đến tháng 10/2015 phải hoàn thiện Luật Phí và lệ phí để trình Quốc hội thông qua.

    Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 1/1/2016.

    Theo Báo Chính phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-vu-quoc-hoi-ban-ve-thu-phi-xe-may-a105708.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.