Nguyên nhân cá chết tại biển miền Trung đã được công bố, do Formosa xả thải ra biển. Xung quanh sự kiện này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.
PV:Thưa Viện sỹ, là một nhà khoa học, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề môi trường biển của chúng ta hiện nay?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Vấn đề môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng, hiện nay đang trở thành vấn đề cấp thiết không những của Việt Nam mà của cả thế giới.
Do tác động của biến đổi khí hậu, tác động của con người, đặc biệt vấn đề “phát triển nóng”, nhất là các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam của chúng ta.
Nhiều nước trên thế giới đã từng phải trả giá về môi trường do tác động của việc “phát triển nóng”, chẳng hạn như hiện tượng thuỷ triều đỏ.
Việc cá chết không chỉ riêng ở biển Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới từng xảy ra hiện tượng này.
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. |
Tuy nhiên, vấn đề chúng ta đang quan tâm ở đây là vấn đề về phát triển công nghiệp, chất thải công nghiệp. Chúng ta đang hội nhập toàn cầu thì đương nhiên các nước đều có thể tham gia vào các dự án ở trên đất liền cũng như ngoài biển của Việt Nam.
Thế nhưng, dân tộc nào cũng thế thôi, bao giờ cũng phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc mình là trên hết. Vì vậy, đòi hỏi ở tất cả các dự án, bất kể dự án nào, dù là doanh nghiệp trong hay ngoài nước cũng phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không phá hoại sinh thái.
PV:Sự kiện Formosa đã chính thức thừa nhận trách nhiệm đối với vấn đề cá chết tại Việt Nam do công ty này xả thải ra biển và cam kết sẽ khắc phục hậu quả. Thượng tướng suy nghĩ gì về việc này?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Sau khi có hiện tượng cá chết ở miền Trung, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ban ngành phối hợp điều tra nguyên nhân.
Vì vấn đề này thuộc về lĩnh vực khoa học, lĩnh vực môi trường, hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào, nhất là ngư dân đánh bắt cá, mưu sinh trên biển.
Hơn nữa, việc cá chết do môi trường cũng ảnh hưởng đến cả xuất nhập khẩu thủy hải sản của Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi vì các nước rất nghiêm ngặt, yêu cầu bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì sự cố môi trường gây ra rất nhiều hiệu ứng, nhiều hệ lụy nên việc nghiên cứu, điều tra xác định nguyên nhân phải hết sức thận trọng, khách quan.
Việt Nam đã mời cả các chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài cùng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Đến nay đã kết luận được nguyên nhân một cách khách quan, khoa học.
Khi có kết luận cuối cùng đã tổ chức công bố công khai, minh bạch. Trong đó, nguyên nhân chính là do công ty Formosa xả thải ra biển, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển.
Có thể nói rằng, các đối tác, bất luận là nước nào gây ra sự cố về môi trường thì phải chịu trách nhiệm theo đúng luật pháp quốc tế và luật pháp của Việt Nam, khắc phục hậu quả gây ra, đền bù thỏa đáng, công khai minh bạch, chịu trách nhiệm trước mắt và lâu dài.
Theo Tướng Hiệu, bất kể doanh nghiệp nào vi phạm về môi trường đều phải xử lý kiên quyết và triệt để. |
Ngay cả doanh nghiệp trong nước, nhà máy đường vừa rồi xả thải ra sông Bưởi ở Thanh Hóa, đã phải nghiêm túc khắc phục hậu quả.
Các doanh nghiệp khi bỏ vốn đầu tư đều hướng tới mục đích lợi nhuận. Trường hợp của tập đoàn Formosa cũng đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam, hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng, mới chỉ có vài nhà máy đi vào hoạt động.
Formosa đã thừa nhận trách nhiệm về việc cá chết, xin lỗi nhân dân Việt Nam, cam kết khắc phục hậu quả và vẫn muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam thì sau này buộc anh phải cải tiến công nghệ xử lý xả thải ra môi trường, phải đảm bảo không ô nhiễm không khí, không phá hoại sinh thái biển, tuân thủ đúng pháp luật của Việt Nam cũng như quy định chung của khu vực và thế giới.
Bất kể là doanh nghiệp của nước nào, khi đã đến Việt Nam đầu tư mà vi phạm thì phải xử lý kiên quyết và triệt để, phải đền bù xứng đáng cho nhân dân để đảm bảo cuộc sống mưu sinh của người ta trước mắt và lâu dài.
PV:Từ thực tế này, Viện sỹ có lời cảnh báo gì không?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta cần hoạch định chiến lược, phải chọn lựa đối tác có công nghệ bảo đảm các yếu tố, không riêng gì ở Hà Tĩnh mà trên phạm vi của cả nước.
Đó là việc đảm bảo an sinh, sức khỏe của nhân dân, đảm bảo môi trường xanh, sạch, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm cho cuộc sống của đồng bảo chúng ta đang làm nhiệm vụ trên biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ô nhiễm môi trường là toàn cầu, không biên giới nên phải xử lý hết sức khách quan, khoa học.
Qua sự cố lần này là một bài học cho tất cả các dự án đang và sẽ triển khai tại Việt Nam, cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
An ninh môi trường và an ninh bảo vệ chủ quyền của quốc gia gắn với nhau. Nếu chúng ta không làm tốt về mặt thực tiễn và chiến lược, rút kinh nghiệm thì dần dần từ an ninh môi trường, an ninh thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ nó không đơn giản.
Chính vì thế, Việt Nam phải dự báo trước các tình huống để chủ động sau này. Chủ động về sinh thái môi trường, nó không chỉ xảy ra một lần mà còn có thể xảy ra các sự cố khác.
Về lâu dài, phải có tầm nhìn, cảnh báo và chủ động thông tin đa chiều, cập nhật tuyên truyền để người dân hiểu mức độ tác động của sự cố đến đâu. Tất cả để hạn chế rủi ro, thiệt hại và vì sức khoẻ, cuộc sống của nhân dân.
PV:Trân trọng cảm ơn Thượng tướng về những trao đổi thẳng thắn trên!
Nguyễn Hường
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]dOTX2WcVQj[/mecloud]