Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, vụ việc thuốc chữa ung thư làm bằng tro than có dấu hiệu lừa dối người có nhu cầu mua sản phẩm thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Vừa qua, sở Y tế Hải Phòng đã bắt tại trận những “dược sĩ/công nhân” đang đổ bột than tre vào các vỏ thuốc con nhộng để đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư. Có 3 đối tượng được xác định liên quan đến vụ việc là bà Đào Thị Chúc (đại diện cơ sở Vinaca), ông Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc công ty Hồng An Phong), ông Nguyễn Xuân Thu (Giám đốc công ty Vinaca).
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo thông tin được chia sẻ từ ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Giám đốc sở Y tế Hải Phòng thì, công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) có hồ sơ gửi sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm gồm Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng và Vinaca đa dụng.
Sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng tên sản phẩm cũng như thành phần, công dụng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc hay thực phẩm chức năng.
Lợi dụng việc đặt tên, công ty TNHH Vinaca đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, rồi lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường.
Sự thực là 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là hóa mỹ phẩm (không phải thực phẩm chức năng) cho công ty Hồng An Phong, nhưng công ty này không sản xuất các sản phẩm mà chỉ thực hiện mỗi công đoạn đốt tre, nứa, gỗ để cung cấp tro cho công ty TNHH Vinaca.
Công ty Vinaca không những sản xuất các sản phẩm được cấp chứng nhận cho Công ty Hồng An Phong (các sản phẩm hóa mỹ phẩm) mà còn sản xuất thực phẩm chức năng (Vinaca CO3.2 ung thư) và giới thiệu là thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Công nhân đang điều chế than bột thành thuốc bán cho bệnh nhân ung thư.
"Qua thông tin ban đầu, theo quan điểm của tôi, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã có dấu hiệu lừa dối người có nhu cầu mua sản phẩm thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Các đối tượng dùng thủ đoạn lợi dụng có hồ sơ đăng ký gửi sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm, sau đó khi đi vào sản xuất đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, rồi lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường.
Tội Lừa dối khách hàng là hành vi tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi lừa dối khách hàng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi và mục đích nhằm thu lợi bất chính.
Mặt khác, tội Lừa dối khách hàng được thể hiện ở hành vi gian dối trong bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính như cân, đong, đo, đếm sai; cố ý tính tiền sai; hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt; cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp hoặc các thủ đoạn khác như: hàng hóa đăng ký cấp phép là mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng nhưng khi sản xuất thành phẩm bán ra là thuốc chữa bệnh… làm cho khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế.", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Xét hành vi của các đối tượng, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, đã có dấu hiệu Tội lừa dối khách hàng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 162, BLHS 2015.
Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này không thỏa mãn dấu hiệu Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193, BLHS 2015. Bởi lẽ, Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, được hiểu là hành vi làm (tạo) ra sản phẩm, hàng hoá là các đối tượng nêu trên một cách trái phép giống như những sản phẩm hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường (tức hàng thật) gây nhầm lẫn hoặc để lừa dối khách hàng.
Trong trường hợp này, các đối tượng đã lợi dụng sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng lại sản xuất lập lờ bán ra thị trường lại là loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nên không thể là sản xuất, buôn bán hàng giả nhái sản phẩm của Công ty khác.
"Ngoài ra, cần thiết phải giám định chất lượng, thành phần hóa học của sản phẩm Vinaca được giới thiệu chữa ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng con người hay không. Trường hợp, nếu có căn cứ xác định các sản phẩm Vinaca khi sử dụng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì tùy theo hậu quả gây ra cho người sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015", luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích thêm.
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng 1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Theo Người đưa tin