Theo Phụ nữ Việt Nam, anh Ngô Tấn Huỳnh - chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng cho biết, vừa qua trung tâm đã tiếp nhận nam thanh niên 24 tuổi (quận Tân Phú, TP.HCM) bị nhiễm HIV, nghi ngờ nguyên nhân đến từ việc đi cắt tóc gội đầu.
Theo lời kể của bệnh nhân, bình thường, cậu vẫn đi cắt tóc gội đầu ở tiệm quen. Tuy nhiên, gần 3 tháng trước, anh có cắt tóc gội đầu khác. Trong lúc cạo mặt, nhân viên có làm trầy nhẹ mặt dẫn đến chảy một ít máu.
3 tháng sau bỗng thấy nổi hạch ở cổ, cảm thấy lo lắng, cậu quyết định đến đây thăm khám. Kết quả nhiễm HIV khiến cậu ngã ngửa.
Anh Ngô Tấn Huỳnh chia sẻ, đây là trường hợp hiếm hoi đến thăm khám, bị nhiễm HIV nghi ngờ liên quan đến việc cắt tóc gội đầu. Bản thân anh chưa từng tiếp nhận những trường hợp như thế này trước đây.
"Hiện nay, tại Việt Nam chưa có ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm. Tuy nhiên, trong thực tế thì nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường này cực kỳ cao, cao hơn rất nhiều so với chuyện chị em làm móng tay, móng chân", chuyên gia nhận định.
Nguyên nhân bởi, những dụng cụ cắt tóc như tông đơ, dao cạo mặt, cạo râu, lấy ráy tai nếu được dùng cho người trước, chưa vệ sinh đúng cách để dùng cho người sau, thì nguy cơ nhiễm HIV rất cao.
Cần đặc biệt cẩn trọng với những nguồn khiến nguy cơ phơi nhiễm HIV cao
Mặc dù nhiều trường hợp vẫn chưa biết chính thức mình lây nhiễm HIV từ đâu, nhưng qua phân tích của các chuyên gia y tế về những con đường lây nhiễm HIV khiến nhiều người phải giật mình, vì phơi nhiễm HIV có thể đến từ nhiều nguyên nhân khó tin trong sinh hoạt hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã từng chỉ ra những nguy cơ có thể lây nhiễm HIV từ sinh hoạt hàng ngày như quan hệ tình dục thông thường, dùng chung kim tiêm, kìm cắt móng tay, bàn chải đánh răng hay gội đầu cho nhiều người mà trong đó có người nhiễm HIV nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể là những nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác.
Theo bác sĩ, dụng cụ làm móng nếu chỉ sử dụng cho một người thì không sao nhưng nếu sử dụng cho nhiều người, trong đó có người nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm HIV có thể xảy ra khi bị chảy máu. Việc dùng chung dao cạo râu cho nhiều người hay dùng chung kim khi đi phun, xăm thẩm mỹ cũng đều là nguy cơ lây nhiễm HIV khi dụng cụ này được dùng cho cả người nhiễm HIV mà không được khử trùng đúng cách thì người sử dụng sau cũng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử trùng và người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV.
Bác sĩ khuyến cáo để an toàn mọi người tuyệt đối không dùng chung các vật dụng này, đặc biệt, nếu đi làm móng tại các tiệm nails thì nên mang theo dụng cụ làm móng (như kìm bấm móng, kéo, dũa...) của bản thân, theo chuyên trang Gia đình & Xã hội.
Những con đường chính lây truyền HIV hiện nay
Theo các chuyên gia y tế, 3 con đường chính lây truyền HIV hiện nay là qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và truyền từ mẹ sang con. Trong đó, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy (dùng chung bơm kim tiêm tại cùng 1 thời điểm) là hình thái lây truyền chủ yếu.
Tuy nhiên, với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu không may bị giẫm vào, bị đâm, thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn, chỉ khoảng 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.
Với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện nay, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường. Nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV thì sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.
Nếu điều trị muộn, bệnh nhân thường mắc các nhiễm trùng cơ hội có thể gây tổn thương gan, thận… làm cho hiệu quả điều trị ARV càng kém đi. Hơn nữa, ngoài việc dùng thuốc kháng virus điều trị HIV, người bệnh cần dùng thêm các thuốc trị nhiễm trùng cơ hội. Khi phải uống nhiều thuốc cùng lúc, tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng kém đi, ảnh hưởng tới kết quả điều trị HIV.
Vì sao cần điều trị virus HIV sớm?
Giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và lâu hơn
Theo kết quả thử nghiệm START, số lượng tế bào CD4 tăng lên khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus. Các phát hiện cho thấy rằng, bắt đầu điều trị sớm có nghĩa là ít biến chứng sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến AIDS hơn.
Nếu không điều trị ngay, HIV sẽ làm suy yếu nhanh hệ thống miễn dịch, khiến bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí không còn khả năng để tự chăm sóc bản thân…
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến HIV
Theo thử nghiệm START, những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các bệnh ung thư như: Ung thư hạch và sarcoma kaposi cao hơn. Những người nhiễm HIV bắt đầu điều trị bằng liệu pháp kháng virus sớm hơn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh sarcoma kaposi.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội
Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể chống lại nhiều loại virus và mầm bệnh gây hại khác. Những người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch yếu khiến họ dễ bị nhiễm trùng cơ hội nhất định, như nấm miệng (tưa miệng). Có hơn 20 loại bệnh nhiễm trùng cơ hội và khi phát triển một loại bệnh nhiễm trùng cơ hội nào, có nghĩa là bạn đã chuyển sang chẩn đoán AIDS.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, liệu pháp kháng virus có thể tăng số lượng CD4, giúp hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng này.
Giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác
Khi thuốc ức chế tải lượng virus, bạn sẽ không có khả năng truyền HIV sang người khác.
Trong nghiên cứu, trung bình hai năm, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 1.100 cặp vợ chồng, trong đó một người nhiễm HIV. Các cặp vợ chồng này không sử dụng bao cao su. Các phát hiện cho thấy, những người dương tính với HIV có tải lượng virus bị ức chế đã không truyền virus cho bạn tình của họ.
Do đó có thể nói ‘Điều trị là phòng ngừa". Tuy nhiên, bao cao su vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: Lậu, giang mai, viêm gan C, chlamydia…
Kết nối với các dịch vụ khác
Khi bắt đầu điều trị HIV, các bác sĩ có thể giúp bạn kết nối với các dịch vụ khác mà bạn có thể cần, bao gồm các dịch vụ xã hội, cai nghiện và tư vấn sức khỏe tâm thần...
Hãy trao đổi với nhân viên y tế về bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, khiến bạn khó bắt đầu hoặc khó tiếp tục điều trị HIV, theo Sức khỏe & Đời sống.
Thùy Dung(T/h)