(ĐSPL) - Trái đất bị bụi và mảnh vụn vũ trụ che phủ suốt 6 ngày" từ 16-22/12 chỉ là tin đồn thất thiệt, NASA xác nhận không hề có bất cứ thông báo gì về nguy cơ này.
Các chuyên gia về vũ trụ đã đưa ra những lời giải đáp khoa học chắc chắn nhất, phủ nhận lời đồn thổi Trái đất sẽ chìm trong bóng tối từ ngày 16 đến ngày 22/12/2014 đang khiến dư luận hoang mang.
Nguồn tin đầu tiên xuất phát từ trang tin tức châm biếm Huzlers nói Trái đất sẽ hoàn toàn chìm trong bóng tối từ ngày 16/12 đến 22/12 tới đây vì bão Mặt trời. Nguồn tin được phát tán vào cuối tháng 10 năm nay với đoạn clip được “sắp đặt” để làm tăng sức nặng cho bản tin. Lúc đó, thông tin này đã “gây sốt” trên các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook.
|
Thông tin "Trái đất bị bụi và mảnh vụn vũ trụ che phủ suốt 6 ngày" đã trở thành cơn sốt lan truyền trên các mạng xã hội ở Mỹ. (Ảnh minh họa).
|
Theo đó, các nguồn tin dẫn lời ông Charles Bolden, Giám đốc NASA cho biết, Trái đất sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng từ “một cơn bão mặt trời lớn nhất trong vòng 250 năm trở lại đây” trong tháng 12 năm nay, và hậu quả khiến “bụi và mảnh vụn vũ trụ bao quanh, che 90\% lượng ánh sáng mặt trời đến hành tinh của chúng ta”.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhiều tờ báo nổi tiếng như The Independent (Anh), Huffington Post (Mỹ) và RT (Nga) đã chứng minh đây chỉ là tin đồn thất thiệt. NASA xác nhận không hề có bất cứ thông báo gì về nguy cơ này, mà chỉ đăng tải trên website một đoạn video của ông Bolden với nội dung kêu gọi các gia đình ở Mỹ có sự chuẩn bị cho những thiên tai bất ngờ như động đất, vòi rồng…
Theo The Independent, bão mặt trời là một hiện tượng bắt nguồn từ các hoạt động từ trường ở bề mặt hằng tinh này. Tuy nó có thể gây đôi chút bất ổn trong hệ thống từ trường của hành tinh chúng ta, nhưng không thể “thổi” bụi và mảnh vụn che phủ trái đất.
Do đó, chuyện bão Mặt trời khiến ánh sáng không lọt được tới Trái đất là hoàn toàn phi khoa học. Bão Mặt trời, theo lý giải của các chuyên gia khoa học trên tờ The Independent, sẽ gây ra rối loạn từ trường ở Trái đất. Một vài trường hợp hãn hữu được ghi nhận cho thấy bão Mặt trời có thể làm hỏng hệ thống điện ở một vài nơi.
Về video "NASA cảnh báo khẩn cấp", báo Anh cho biết, nó là sản phẩm cắt ghép âm thanh, hình ảnh dựa trên những lần xuất hiện của Giám đốc NASA Charles Bolden.
Thực tế là video gốc được Bolden đưa ra để khuyến cáo các gia đình Mỹ về những gì họ cần làm trong trường hợp xảy ra động đất hoặc bão, thiên tai - các mối đe dọa thực sự thường xảy ra ở Mỹ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-tin-trai-dat-se-chim-trong-bong-toi-ngay-2212-a70121.html