(ĐSPL) – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên chính thức làm việc tại Nhà Trắng.
Tại cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên TPP tại Lima, Peru vào hôm 19/11, Thủ tướng Abe nói rằng cuộc họp đã không thảo luận vấn đề các quốc gia còn lại đưa TPP vào thực thi, trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
"Hiệp định TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có Mỹ", ông Abe khẳng định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters. |
Hôm 21/11, ông Trump đã công bố đoạn video trình bày kế hoạch hành động của ông trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng (ngày 20/1/2017), bao gồm cả việc sẽ rút Mỹ khỏi TPP.
Tuy nhiên, trong diễn biến liên quan, ngày hôm nay (22/11), Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã có kế hoạch giữ vai trò lĩnh xướng trong những nỗ lực hành động để đảm bảo cho TPP - một thỏa thuận thương mại lớn tầm toàn cầu - được thực thi càng sớm càng tốt.
Khi ông Trump vẫn động tranh cử, vị tỷ phú này đã cam kết rút khỏi TPP, thỏa thuận thương mại tự do gồm 12 quốc gia thành viên. Tổng thống Mỹ đắc cử cũng gọi thỏa thuận này là một “thảm họa”.
Thủ tướng Nhật Bản cũng đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước, để thảo luận về hợp tác kinh tế và một hàng lãnh thổ cũ trong nhiều thập niên. Cũng tại cuộc họp báo ở Buenos Aires, ông Abe đã khẳng định quyết tâm chấm dứt cuộc tranh chấp lãnh thổ.
"Đây là vấn đề không thể giải quyết được nếu không có sự tin tưởng trong mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo”, ông Abe tuyên bố.
Tờ New York Times cho rằng, đối với Mỹ, TPP là vũ khí chính trong chiến lược "xoay trục" về châu Á của Tổng thống Barack Obama. Do đó, nếu TPP sụp đổ, các đối tác sẽ nghi ngại về vai trò của Mỹ tại khu vực này.
TPP (Trans-Pacific Partnership) là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hiệp định đã đưa ra những quy định mới trong lĩnh vực thương mại và đầu tư kinh doanh giữa 12 quốc gia xung quanh vùng lòng chảo Thái Bình Dương (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, và Việt Nam). Tổng sản phẩm trong nước hàng năm của các quốc gia là gần 28 nghìn tỉ USD đại diện cho khoảng 40% GDP toàn cầu và 1/3 thương mại thế giới. Hiệp định sẽ được thông qua khi được Quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên (chiếm ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối) phê chuẩn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://ustr.gov |
NHẤT DUY(Theo Reuters)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]MaJCXt5iIn[/mecloud]