+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.

    (ĐSPL) - Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.

    Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã báo cáo về tình hình thực hiện công tác năm 2013 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014. Ban Kinh tế Trung ương xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tổng kết 30 năm đổi mới, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

    Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác của Ban Kinh tế Trung ương và để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2014 và các năm tiếp theo, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa với Ban ngay từ khi xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các Đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Định kỳ hàng năm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương để chỉ đạo công tác, nhất là các vấn đề liên quan đến chức năng nghiên cứu, đề xuất các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban.

    Sáng 19/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.

    Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương  là cần thiết, phù hợp; đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương năm qua. 

    Trong điều kiện tái lập, nhiều khó khăn, thử thách, cán bộ của Ban còn thiếu, song Ban Kinh tế Trung ương đã chú trọng triển khai đồng thời hai nhiệm vụ cơ bản: vừa xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự, quy chế làm việc, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ thẩm định, nghiên cứu đề xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bước đầu đáp ứng được yêu cầu tham mưu về kinh tế - xã hội cho Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

    Thủ tướng lưu ý, những kết quả đó mới là bước đầu, so với yêu cầu, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt còn nhiều khó khăn, đứng trước những thách thức lớn trong việc tìm động lực mới cho sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội.

    Với số lượng cán bộ có trình độ cao như hiện nay là chưa đủ, để tập hợp trí tuệ tham mưu cho Đảng, Ban Kinh tế Trung ương cần làm vai trò chủ trì, huy động các cơ quan, các nhà khoa học tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước để hiến kế, đóng góp cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách những giải pháp hay, giải pháp đúng, thiết thực để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Làm tốt điều này, vai trò tham mưu, đề xuất của Ban Kinh tế sẽ ngày càng được nâng cao, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

    Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công việc. Công tác nghiên cứu cần gắn với thực tiễn, kết hợp các nội dung nghiên cứu của Ban với những nội dung chắt lọc, tổng hợp từ kết quả nghiên cứu, tham mưu của các tổ chức, cơ quan hữu quan, tăng cường phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa với các cơ quan, bộ, ngành và các địa phương ngay từ khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

    Trong năm 2014, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trọng tâm là các nội dung liên quan đến tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) và đề xuất nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

    Đề cập đến việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương với vai trò cơ quan chủ trì đề án theo phân công của Bộ Chính trị. Thủ tướng  đồng ý với đề xuất về thành phần, nhân sự Ban Chỉ đạo, yêu cầu Ban sớm trình Thường trực Ban Bí thư quyết định thành lập và triển khai đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian khai theo đúng kế hoạch. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành chức năng, việc sơ kết cần bám sát các chủ trương nêu trong Nghị quyết; tập trung đánh giá những mặt được, chưa được và chỉ rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Nhấn mạnh mục tiêu chung, nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ: Để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa thì kinh tế là trung tâm. Kinh tế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mới, chưa có con đường sẵn, chưa mô hình sẵn, đòi hỏi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa căn chỉnh…

    Việc tổng kết là hết sức quan trọng bởi muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, muốn phát triển nhanh bền vững, chúng ta  cần phải làm nhiều việc, trong đó phải thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì việc tổng kết lần này làm rõ thêm sâu sắc thêm nhận thức, nội hàm, phạm trù của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Kinh tế thị trường trước hết là phải thực hiện các quy luật của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu. Việt Nam thực hiện dùng các chính sách, công cụ điều tiết đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển, để xóa đói, giảm nghèo, để khoảng cách giàu nghèo không quá cách xa, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.  Việc tổng kết nhằm tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Ban Kinh tế Trung ương có vai trò quan trong việc triển khai việc sơ kết  này.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

    Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn  ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để ban Kinh tế làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-nguyen-tan-dung-lam-viec-voi-ban-kinh-te-trung-uong-a26176.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan